50 NĂM CUỘC TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Căn cứ lòng dân giữa Sài Gòn-Gia Định

PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhận định: “Cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự kiện Mậu Thân chính là Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh của nhân dân. Lực lượng vũ trang và an ninh Việt Nam luôn có một căn cứ vững chắc - căn cứ lòng dân. Đó là bức “tường đồng vách sắt” mà không một thế lực nào có thể thắng nổi”.

Dân nuôi nấng, bảo bọc, chở che

Đại tá Lê Văn Lên, Chỉ huy trưởng của lực lượng an ninh vũ trang T4 Sài Gòn-Gia Định, kể trong những ngày đóng quân tại Củ Chi anh em chiến sĩ thiếu thốn rất nhiều. “Biết anh em chiến sĩ thiếu thốn, lương thực không đủ, người dân trồng được củ khoai cũng mang cho mình ăn trưa, cùng ăn với họ. Nhà cửa, tài sản của dân mà mình cần làm công sự thì dân cũng cho hết. Trâu bò gì dân cũng không bán mà để cho mình ăn. Nhà của dân, mình đào hầm địa đạo, cất giấu vũ khí mà dân vẫn để mình đào dù biết nguy hiểm. Tinh thần của dân quá cao cả! Dân biết nguy hiểm nhưng vẫn tin tưởng mình. Họ hy sinh nhiều lắm!” - Đại tá Lê Văn Lên nhớ lại.

Đại tá Lê Văn Lên kể khi cả khu ủy phải xuống hoạt động dưới miền Tây, áo quần không có, cơm không đủ ăn thì chính người dân cho gạo, cho quần áo. “Không có dân là chết. Tụi tôi hành quân xuống miền Tây, các bà mẹ miền Tây nói sao tụi bây nói tiếng Trung, tiếng Bắc gì tao nghe không được. Rồi các má ôm tụi tôi bảo: “Thương mấy con quá, xa vợ, xa con, xa nhà để đi đánh giặc...”. Đồng bào mình là vậy đó. Có bà mẹ miền Tây coi tôi như con cái trong nhà, ngày đó tôi hứa sẽ quay lại thăm mẹ khi cuộc cách mạng thành công. Nhưng đến khi tôi trở về thì mẹ không còn nữa...” - Đại tá Lê Văn Lên xúc động. 

TS Vũ Trọng Hùng, Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, nói trong chiến dịch nhân dân đã tích cực tham gia phong trào xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. “Trước Tết, mỗi gia đình đã dành 5-6 lon gạo để vào hũ gạo nuôi quân, sau đó cứ mỗi tuần lại góp thêm một lần. Ở các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm trong dân phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Ở Củ Chi, đồng bào đã gấp rút thu mua, quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men... và chuyển ra các kho hậu cần của ta. Bà con trong ấp chiến lược sẵn sàng đóng góp, nhiều người còn tự nguyện và khôn khéo vận chuyển ra ngoài an toàn trước sự canh phòng dày đặc và nghiêm ngặt của kẻ thù” - TS Vũ Trọng Hùng kể.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” vào ngày 29-12-2017. Ảnh: T.LÂM

Trong đó, đáng chú ý là Tổ hội Mẹ chiến sĩ ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Chưa đầy nửa tháng, tổ đã tập trung sẵn gạo, thực phẩm và quần áo, thuốc men đúng số lượng yêu cầu, chất lên 10 chiếc xe bò chở ra tiền tuyến an toàn. Các nhà đều đào sẵn hầm để nuôi giấu cán bộ, thương binh, vũ khí, thuốc men và lương thực, thực phẩm...

“Nếu không có nhân dân ủng hộ, hỗ trợ và làm tai mắt cho thì cán bộ cách mạng không thể nắm được tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào TP, không thể ém quân bí mật trong lòng TP ở những vị trí ngay gần cơ quan đầu não của địch, không thể có khối lượng lớn về vũ khí để chiến đấu. Chính nhân dân đã hết lòng ủng hộ cách mạng, tham gia tích cực vào công cuộc chuẩn bị và tham gia chiến đấu, góp phần làm vô hiệu hóa các cơ quan tình báo khổng lồ của địch” - TS Hùng nói.

Lõm an ninh và căn cứ lòng dân

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết: Trong những năm kháng chiến, ngay giữa lòng Sài Gòn đã có một loại hình căn cứ đặc biệt cắm sâu trong lòng địch. Đó là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu. Đó là các “căn cứ lõm”, “căn cứ lòng dân”.

Bà Thư kể hồi đó dựa vào cơ sở quần chúng cách mạng, lực lượng an ninh Sài Gòn-Gia Định khi đó đã xây dựng lõm chính trị khắp các quận nội thành và tập trung nhất ở quận 4, quận 8, quận Gò Vấp, khu vực chợ Bà Chiểu, Bàn Cờ, Bảy Hiền (Tân Bình), khu vực Hàng Xanh, Cầu Bông (Gia Định), khu Xóm Chùa, Tân Định (quận 1)... Chính người dân đã che giấu, đùm bọc, chở che, nuôi giấu các cán bộ, chiến sĩ để biến nơi đây thành căn cứ xây dựng. Các nơi này trở thành nơi đứng chân của các lực lượng an ninh khu vực, điệp báo, trinh sát vũ trang, nơi tập kết đi lại, giao liên bàn đạp, nơi ém quân, chuẩn bị, tích trữ vũ khí, đạn dược cho các trận đánh diệt ác trong nội thành.

Bà Thư nói không có vùng giải phóng che chở, không có phòng tuyến quân sự bảo vệ nhưng hệ thống các căn cứ lõm Sài Gòn-Gia Định đã hình thành và phát triển vững chắc dựa vào lòng dân... Người dân đã chiến đấu một cách thầm lặng, nhiều người trong số đó cũng chịu biết bao cực hình tra tấn trong nhà tù, liên lụy đến cả gia đình nhưng họ không hề hé môi về những chiến sĩ, những tổ chức mà họ nuôi giấu, chở che.

“Căn cứ lòng dân không chỉ là căn hầm che giấu, là những người bảo vệ trong, ngoài. Căn cứ lòng dân còn là nơi để người cán bộ an ninh hòa vào trong nhân dân, từ đóng vai rồi thật sự trở thành những người con của các ba, các má, trở thành người anh, người chị của các thành viên còn lại trong nhà” - bà Thư nói.

“Dân là cái nôi cách mạng. Lòng dân là lòng trời. Không có dân là không giành được thắng lợi. Lòng dân chính là căn cứ vững chắc nhất và là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc” - Đại tá Lê Văn Lên đúc kết.

Thế trận lòng dân, bài học xưa và nay

Chiến công lừng lẫy của Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và an ninh miền Nam đã đi vào lịch sử, tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.

___________________________

Một trong số bài học vô giá đó là bài học về thế trận lòng dân. Bài học đó có giá trị ngay cả với thực tế ngày nay, khi chúng ta đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, bối cảnh mới. Trong sự nghiệp đó, “lấy dân làm gốc” vẫn là bài học lớn, đi mãi với thời gian…

PGS-TS VŨ QUANG ĐẠOnguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trinh sát vũ trang không thể hoạt động được nếu không có thế trận lòng dân. Trong vùng tạm chiếm, chúng ta không có rừng cây hay công sự để che chắn. Tuy nhiên, nhờ biết dựa vào dân nên ta được bảo vệ bằng “rừng người”, bằng “công sự lòng dân”.

Đại tá THÁI DOÃN MẪNnguyên Phó ban An ninh T4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm