Sau cao trào Đồng Khởi, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng, ngày 19-3-1961, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định quyết định thành lập Ban Bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn-Gia Định (Ban An ninh T4) để tăng cường cho lực lượng vũ trang.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Ban An ninh T4 đã ngày càng lớn mạnh, huy động mọi lực lượng có trong nội thành và các lực lượng vũ trang bảo vệ căn cứ; trinh sát vũ trang nội đô đã phải khẩn trương phát triển lực lượng, tạo chỗ ở cho lực lượng bên ngoài vào phối hợp đánh các trận lớn hơn, kể cả đánh phá trụ sở của các cơ quan đàn áp của địch...
Bí mật đến giờ G...
Nhắc lại về những giây phút lịch sử của chiến dịch, Đại tá Lê Văn Thiện (lúc đó là phó Ban An ninh Phân khu I, Ban An ninh T4) hào hứng kể: “Không có ai đánh giặc vào đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết cả, ngay cả tôi lúc đó là phó ban cũng thấy bất ngờ nữa”.
Đại tá Lê Văn Thiện kể: Chiều 29 Tết, trưởng Ban An ninh Phân khu I triệu tập một cuộc họp với 120 cán bộ trinh sát chính trị vũ trang, bộ phận kỹ thuật, làm căn cước, giấy tờ giả, quân trang quân phục... tại ấp Vườn Trầu, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi. “Trưởng Ban An ninh chỉ công bố tình hình mới của cuộc chiến, không nói rằng sẽ tiến hành tổng tiến công” - Đại tá Thiện nhớ lại.
Là người trực tiếp phân công công việc cho các chiến sĩ nhưng chính bản thân Đại tá Thiện cũng phải giữ bí mật đến cùng với anh em. “Các mục tiêu đều được chỉ định nhưng khi nổ súng mới biết được. Tôi bố trí cho 120 anh em đó vào vị trí theo từng địa bàn hoạt động trước nay. Sau đó tôi sinh hoạt chung với anh em, nói về cách hóa trang để giống lính chế độ cũ, về tác phong, cách xưng hô làm sao cho giống đang tập huấn vậy thôi. Tôi tuyệt nhiên không hề nói rõ nhiệm vụ là gì” - Đại tá Thiện kể.
Mọi thứ được chuẩn bị từ chiều 29 đến 4 giờ sáng 30 Tết mới xong. Đến chiều 30 Tết, một tiểu đoàn bí mật chuyển quân vô Sài Gòn bằng cách ngụy trang thành một đơn vị hành quân của lính chế độ cũ.
“Anh em không biết gì cả, tôi làm phó ban còn nắm được chiến dịch chứ anh em thì không. Cứ đến sáng mùng 1 mình cho quân đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn, anh em khi đó chỉ biết cầm súng vào vị trí chiến đấu” - Đại tá Thiện nhắc về yếu tố bất ngờ, bí mật của cuộc tổng tiến công.
Đại tá Lê Văn Thiện, nguyên Phó ban An ninh Phân khu I, Ban An ninh T4 Sài Gòn-Gia Định, kể về nhữnag thời khắc của cuộc tổng tiến công. Ảnh: THANH TUYỀN
Đại tá Lê Văn Lên, nguyên Chỉ huy trưởng của lực lượng an ninh vũ trang T4, kể lại công tác chuẩn bị cho cuộc chiến. Ảnh: THANH TUYỀN
Sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, nhiều cánh quân khi đó cùng đánh thọc vào nội đô Sài Gòn ở những mục tiêu đã được định sẵn. Đại tá Thái Doãn Mẫn, Phó ban An ninh T4, có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương 2 do ông Võ Văn Kiệt chỉ huy. Cánh quân của Đại tá Mẫn với mục tiêu đánh vào Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, đi từ cánh Bắc vào nội đô, khi đến quận 6 thì hai tiểu đoàn đã bị địch phát hiện.
Các chiến sĩ trinh sát vũ trang dùng mìn tự tạo đánh tụ điểm của cảnh sát dã chiến, tiêu diệt một số tên cảnh sát chế độ cũ, dùng mìn đánh hỏng trạm biến thế Hưng Phú, làm mất điện hai giờ liền, tạo điều kiện cho bộ đội áp sát mục tiêu ở quận 6 và quận 8... “Mình cầm cự trong vòng một tiếng đồng hồ thì phải rút lui. Tôi chia lực lượng nhỏ ra, cho anh em rút lui từ từ. Anh em hy sinh nhiều nhưng vẫn phải cố gắng kìm lại để làm tiếp nhiệm vụ” - Đại tá Mẫn kể.
Là chỉ huy trưởng của lực lượng an ninh vũ trang T4 Sài Gòn-Gia Định, Đại tá Lê Văn Lên cũng đã nhanh chóng triển khai lực lượng theo kế hoạch đề ra, chia thành năm cánh quân áp sát vào Sài Gòn. “Tôi lúc đó đang bảo vệ trực tiếp cho tướng Trần Văn Trà và tướng Võ Chí Công. Cánh quân của tôi bảo vệ cho lãnh đạo, tư lệnh, dùng pháo binh bắn thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất làm cho quân đội địch tan rã, rồi có cánh quân thì đánh thọc sâu vào Sài Gòn, chiếm đóng các vị trí quan trọng làm chúng tê liệt... Lúc tiến công đã hạ quyết tâm phải đánh với khí thế hừng hực, ngàn năm có một lần mà” - Đại tá Lê Văn Lên kể.
Đại tá Lên nói rằng trong ba ngày đầu tiến công, quân của ta đã làm chủ được thế trận nhưng khi bị Mỹ phản kích thì tổn hại nặng nề. “Miền Đông Nam bộ mình bị bao vây nhiều, chúng thả bom B52, bao vây toàn Sài Gòn. Lực lượng của ta lúc đó quá nhỏ, bị phân tán, hết đạn, người thì thương vong...; căn cứ của ta ở Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai đều bị bao vây, cắt đứt đường lui, không rút ra được. Nhiều anh em hy sinh ở quận 11. Lực lượng cơ sở trong nội thành, binh vận, hoa vận, biệt động đều ra tay đánh nhưng rồi cũng bị bắt. Đơn vị chúng tôi hy sinh cũng nhiều, thắng lợi thì có nhưng thiệt hại quá lớn” - Đại tá Lê Văn Lên ngậm ngùi.
“Lòng dân là lòng trời” Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân ta đã đưa được hàng chục tấn thuốc nổ C4 và TNT, hàng trăm cây súng AK và K54, 300 kg thuốc nổ và một số hỏa tiễn H12, hàng ngàn viên đạn các loại vào nội đô Sài Gòn an toàn. Đó hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ của người dân. “Không có dân là không giành thắng lợi được đâu. Dân là cái nôi cách mạng; lòng dân là lòng trời” - Đại tá Lê Văn Lên, Chỉ huy trưởng của lực lượng an ninh vũ trang T4 Sài Gòn-Gia Định, khẳng định khi nhắc về cuộc chiến này. Đại tá Lê Văn Lên kể những ngày đó người dân đã hy sinh cả tính mạng của mình để giúp đỡ cho các chiến sĩ. “Trong cái giỏ của họ đi chợ, lớp bên trên là khoai lang, rau củ, bên dưới là súng đạn với thuốc nổ không. Người dân giúp mình vận chuyển vũ khí, thuốc nổ vào chứ không làm sao mình làm trót lọt được” - Đại tá Lên nói. Còn trong ký ức của Đại tá Lê Văn Thiện, Phó ban An ninh Phân khu I, chính những người phụ nữ nhỏ nhắn, hằng ngày vẫn bán rau ngoài chợ đã góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch. Để giúp các anh em chiến sĩ lọt vào bên trong, mấy chị em phụ nữ đã đóng vai là vợ, người yêu để đưa anh em vào đến điểm tập trung trước trận đánh. Trước giao thừa thì họ đã đưa quân của mình đến các vị trí đã bố trí trước đó, chuyển giao lá thư nhỏ của lãnh đạo có ghi kèm mục tiêu đánh chiếm đến tay anh em. “Mình đưa bom, vũ khí, thuốc nổ cho chị em là họ tự ngụy trang, giấu trong đống rau cải. Mấy chị bán bí rợ cũng rất nhanh trí, họ giấu thuốc nổ TNT trong trái bí bằng cách móc ruột trái bí ra, nhét thuốc nổ vào, ngang nhiên để trong giỏ rồi đi qua lần lượt các chốt kiểm soát gắt gao của địch... Trạm nào khó quá, chị em tự lo lót cho mấy tên lính bằng mấy điếu thuốc rồi qua được hết. Bằng cách đó họ giúp chúng tôi chuyển vũ khí, thuốc nổ vào nội đô; giúp các chiến sĩ vào đến điểm tập trung, nhận nhiệm vụ cụ thể sẽ làm gì” - Đại tá Lê Văn Thiện kể lại. Đại tá Thái Doãn Mẫn (từng hoạt động với bí danh Huỳnh Xuân Nam, Chín Thủy, Tám Nam; nguyên Phó ban An ninh T4, phụ trách trực tiếp lực lượng trinh sát vũ trang nội đô-B5) thì nhấn mạnh: “Người dân yêu nước không sợ bị bắt bớ, giam cầm; hết lòng che chở cán bộ, chiến sĩ; chứa vũ khí trong nhà; cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho việc đánh địch; dùng nơi ở của mình làm trạm giao liên, hộp thư... Họ là nguồn động lực để xây dựng lực lượng chiến đấu tại chỗ”. |
Đòn quyết định xoay chuyển thế trận Sau hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Mỹ thất bại trong âm mưu muốn đưa Chiến tranh cục bộ miền Nam lên đỉnh cao. Trong khi đó, chế độ Sài Gòn lâm vào khủng hoảng. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị họp bàn về hướng tấn công chiến lược năm 1968. Sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 đã thông qua chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ. Cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ đó đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Thắng lợi đó là kết quả của cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí của quân và dân ta. |