Chiều tối nay 31-3: Bão số 1 cách Bình Thuận 150 km

Đến 16 giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 1 cách bờ biển Ninh Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 150 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75-102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 16 giờ ngày mai, vị trí tâm bão ở trên khu vực các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức 62-74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu và tan dần.

Bão gây mưa nên khả năng xuất hiện lũ ở Phú Yên đến Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, cho biết: Do tính bất thường của cơn bão số 1 nên công tác phòng, chống bão được đặc biệt coi trọng. Ngoài chỉ đạo của phó thủ tướng, Văn phòng, Ủy ban Quốc gia TKCN đã có công điện yêu cầu các tỉnh, địa phương chủ động ứng phó với cơn bão này…

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung và Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), hiện vẫn còn 3.218 tàu thuyền với hơn 27.240 lao động đang hoạt động trong khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1. Bình Định là địa phương có số tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm nhiều nhất với hơn 2.010 tàu/14.070 lao động.

Chiều tối nay 31-3: Bão số 1 cách Bình Thuận 150 km ảnh 1

Đường đi của bão số 1. (Theo NHCMF)

Chiều tối nay 31-3: Bão số 1 cách Bình Thuận 150 km ảnh 2

Lực lượng PCLB tỉnh Ninh Thuận theo dõi sát diễn biến cơn bão trên màn hình. Ảnh: M.TRÂN

Chiều 30-3, tỉnh Bình Thuận đã họp trực tuyến với các địa phương, ban nghành liên quan để triển khai phương án phòng, chống bão lũ. Bình Thuận yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền ra khơi. Liên lạc, hướng dẫn các thuyền vào nơi trú tránh…

Trưa 30-3, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Ninh Thuận đã triệu tập khẩn cấp các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, TP cùng các lực lượng vũ trang để triển khai kế hoạch đối phó cơn bão. Tỉnh huy động hơn 1.000 người từ các lực lượng vũ trang và hàng chục phương tiện (canô, trực thăng) sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Tại Phú Yên, còn 220 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương với 2.045 ngư dân hoạt động trong vùng biển chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1. Tất cả tàu cá này đều giữ liên lạc thường xuyên với đất liền và đã được thông tin liên tục hướng di chuyển của bão. Trong hai ngày qua, Phú Yên có mưa trên diện rộng, gây nguy cơ mất trắng hơn 20.000 ha lúa đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch ở tỉnh này.

Ngày 30-3, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP.HCM có công điện khẩn, yêu cầu huyện Cần Giờ chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0 giờ ngày 31-3 cho đến khi có lệnh mới; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cửa sông, cửa biển không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển.

Ngày 29-3, UBND TP có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan liên quan chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị… sẵn sàng ứng phó với bão.

Cứu 14 ngư dân bị chìm tàu ở Trường Sa

Sáng 30-3, tàu cá QNg-96527TS do ông Dương Văn Thọ (43 tuổi, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, đã phát hiện, cứu vớt, đưa 14 ngư dân tỉnh Khánh Hòa bị nạn vào đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam an toàn sau hai ngày lênh đênh trên biển.

Chiều cùng ngày, hai tàu cá QNg-90046TS của ông Phạm Văn Mãng và tàu QNg-90252TS của ông Phạm Văn Quang (tổng cộng có 23 ngư dân trên hai tàu) cùng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn bị trôi dạt trên biển ở khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm