“Công chứng viên số 1” Phan Văn Cheo

Đó là đúc kết của ông Phan Văn Cheo - công chứng viên có tuổi nghề “già” nhất Việt Nam hiện nay.

Tiếp chúng tôi ngay tại Văn phòng Công chứng Sài Gòn, một trong những phòng công chứng tư đầu tiên ở TP.HCM, ông Cheo vừa nói chuyện vừa luôn tay ký tên mình vào những bộ hồ sơ. Chữ ký của ông là một bảo chứng quan trọng cho những giao dịch dân sự của khách hàng.

Câu chuyện với ông luôn bị ngắt quãng vì ông phải quay sang giải thích cho khách hàng hiểu rõ những quyền và nghĩa vụ pháp lý phát sinh ngay sau khi ngòi bút của ông chính thức ký vào.

Nghề đem lại niềm vui cho đôi bên

Có người nói ông Cheo là công chứng viên số một ở Việt Nam, còn ông bảo nói chi cho to tát vậy, ai ở vào thế của ông cũng phải mày mò tự học trước một nghề mới mẻ vậy thôi. “Nhưng bây giờ các bạn trẻ vào nghề đỡ cực hơn chúng tôi hồi đó. Họ được học bài bản, được tập huấn kỹ càng và đa số những giao dịch đều có sẵn mẫu hợp đồng trên mạng. Hồi mới thành lập Phòng Công chứng số 1, cái gì cũng mới mẻ. Tất cả những gì là hướng dẫn, là khuôn khổ pháp lý để hoạt động đều gói gọn trong hai cái thông tư của Bộ Tư pháp. Từ cái hợp đồng mua bán nhà đến giấy ủy quyền hay hợp đồng thế chấp vay nợ... chúng tôi đều phải mò mẫm hết...”.

Cũng may trụ sở làm việc nguyên là Phòng Chưởng khế chế độ cũ nên ông có điều kiện lục tìm, tra cứu tài liệu cũ để so sánh, đối chiếu với quy định hiện hành. Nhờ có sẵn kiến thức pháp luật trước 1975, ông nhanh chóng tiếp thu và định hình, hoàn thiện công việc của mình. “Nên nhớ những năm 1990 nước ta chưa có nhiều luật ban hành, nhất là những quy định điều chỉnh quan hệ về tài sản. Công chứng không khéo bị kiện như chơi”. Nhưng ông nói trong mọi trường hợp, ông luôn đặt lợi ích và sự tiện lợi của người dân lên hàng đầu.

“Công chứng viên số 1” Phan Văn Cheo ảnh 1

Ảnh phải: Ông Cheo đang làm thủ tục công chứng cho khách hàng tại Văn phòng Công chứng Sài Gòn. Ảnh: HTD

Hỏi ông vì sao lại chọn nghề công chứng, ông cười: “Nghề nào cũng có cái hay riêng, nghề thẩm phán nắm giữ cán công công lý hễ xử bên này thắng thì bên kia thua; nghề luật sư thì luôn đứng về một phía thân chủ, thể nào phía bên kia cũng sẽ không hài lòng. Riêng cái nghề công chứng thì lại khác, khi anh chứng một giao dịch nào đó, anh gần như luôn mang lại niềm vui cho cả đôi bên. Bên bán muốn bán, bên mua muốn mua, thành ra công việc của mình đương nhiên nhẹ nhõm”.

Suýt bị khởi tố

“Do điều kiện lịch sử, ở ta các quy định pháp luật thường ít theo kịp thực tiễn phong phú của cuộc sống. Mình làm nghề phải biết vận dụng linh hoạt, cái gì còn thiếu thì kiến nghị để pháp luật dần hoàn thiện, áp dụng thống nhất tránh mỗi người hiểu một phách”. Ông kể riêng trong chuyện công chứng việc lập di chúc cũng gặp lắm chuyện phiền hà. Nhiều lần ông xém bị kiện vì con cái người lập di chúc tranh chấp, cho rằng lúc viết di chúc cha mẹ họ không còn minh mẫn. “Thế là về sau tôi yêu cầu phải có giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe của bác sĩ mới dám công chứng. Lại có lần một ông đang trên giường bệnh nhờ tôi viết hộ di chúc, ông ấy không muốn cho các con mình biết nội dung bản di chúc này. Tôi biết ông ấy còn minh mẫn nhưng không dám nhận nên bảo thôi cụ nhờ y tá viết hộ đi, xong thì cháu mới chứng. Y như rằng sau đó các con ông khiếu nại tùm lum, nếu hôm đó tôi trực tiếp viết thay có khi bị vạ chứ chẳng chơi”.

Lần khác, ông được người dân mời đến tận nhà để công chứng việc lập di chúc. Đến nơi, thấy tình trạng sức khỏe của người lập di chúc không còn tỉnh táo, ông từ chối. Cả nhà họ năn nỉ, yêu cầu ông phải công chứng ngay. “Tình huống khó xử, nếu công chứng thì vừa không đúng quy định, vừa trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Đó là chưa nói mai mốt có thể bị khiếu nại, kiện tụng của những người thân họ hiện đang vắng mặt. Tôi khất họ, thôi thì ráng chờ dăm ba hôm nữa, ông cụ khỏe lại một chút tôi sẽ đến công chứng. Gần tháng sau, có một phụ nữ gặp tôi kể chị chính là người được nhờ làm chứng trong vụ công chứng kia. Chị ta kết: “Nếu hôm đó ông đặt bút ký là tôi sẽ kiện ông đến cùng”.

Năm 1996, từ khiếu nại của con gái một khách hàng rằng ông đã công chứng sai khiến quyền lợi của họ bị thiệt hại, công an đã khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên sau đó, cơ quan chức năng xác định ông đúng và đình chỉ vụ án.

Ông kể hồi vụ án Epco-Minh Phụng xảy ra, có người lo sợ ông bị vạ lây bởi ông từng công chứng hàng loạt giao dịch liên quan đến vụ án này. Nhưng rồi kết quả sau đó cho thấy tất cả những gì ông làm đều chặt chẽ, đúng luật.

Công-tư đều phải tận lòng

Hỏi ông có gì khác biệt trong công việc giữa hồi còn làm công chứng “công” với công chứng tư bây giờ, ông bảo chẳng có gì khác biệt. “Công hay tư cũng đều phục vụ dân, đều phải dựa trên quy định pháp luật mà làm. À, cũng có khác đấy! Hồi trước nếu có vướng mắc gì trong công việc là phải xin ý kiến cấp trên. Bây giờ gặp những trường hợp tương tự tôi phải tự cân nhắc, quyết định và phải tự chịu trách nhiệm”.

“Công chứng viên số 1” Phan Văn Cheo ảnh 2

Theo ông, thay đổi lớn nhất của nền công chứng Việt Nam chính là xóa bỏ địa hạt công chứng. “Hồi trước, người dân muốn hay không muốn vẫn phải bắt buộc đến một phòng công chứng duy nhất khi cần. Từ đó nảy sinh tâm lý ban quyền của một số cán bộ công chứng. Đến khi xóa bỏ địa hạt, có Luật Công chứng, chỗ này làm khó thì họ đến tìm chỗ khác, không bị lệ thuộc như trước nữa. Hơn nữa, bây giờ đã có công chứng tư, lệ phí không đổi, giá trị pháp lý như nhau nên người ta sẵn sàng tìm đến nơi phục vụ tốt nhất, bất kể đó là công hay tư” - ông nói.

“Nghề công chứng không hiếm khi chứng thực những hợp đồng giao dịch lên tới hàng tỉ đồng. Có khi nào ông được khách hàng “cám ơn” hậu hĩnh không?”. “Có - ông trả lời ngay - nhưng tôi chỉ nhận quà có giá trị nhất là một chai rượu. Tôi quan niệm tiền bạc không phải là mối quan tâm hàng đầu, nếu anh làm bậy, khi xảy ra chuyện, một đồng anh cũng không giữ được. Khi đó anh sẽ phải ăn nói thế nào với gia đình, vợ con, bạn bè và đồng nghiệp?”.

Trước khi chia tay, ông kể câu chuyện nhỏ trong nghề khiến ông luôn dặn lòng mình phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Rằng một ngày có cô gái trẻ chạy đến gặp ông, chìa ra tấm giấy nhỏ hơn lòng bàn tay ghi mấy chữ: “Nếu ba chết, con hãy đến gặp chú Cheo ở Phòng Công chứng số 1”... Cô gái nói tìm thấy mẩu giấy này trong túi áo của cha cô sau khi ông lâm chung và cô biết ý của cha muốn cô tới gặp chú Cheo để hướng dẫn chuyện phân chia tài sản. Ông mất nhưng không để lại di chúc.

“Người dân có tin yêu mới gửi gắm cho mình, vì vậy mình phải hết lòng phục vụ”. Nói xong, ông lại cầm bút quay sang những khách hàng đang đợi.

Gần 30 năm cống hiến cho ngành tư pháp

Sinh năm 1951 ở Bến Lức (Long An), năm một tuổi ông Cheo đã phải mồ côi mẹ. Lên ba tuổi lại mồ côi cha, ông được ông bà ngoại nuôi dưỡng trong khó khăn, vất vả. “Hồi đó sáng đi học, chiều về tôi phải mò cua bắt ốc như nhiều đứa trẻ nông thôn nhà nghèo khác. Cũng may năm nào tôi cũng lên lớp nên không bị nghỉ học nửa chừng” - ông kể. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, ông đi dạy ở trường thực nghiệm sư phạm để sớm có tiền nuôi được bản thân. Rồi ông theo học thêm trường luật, đến năm tư thì đất nước hoàn toàn thống nhất.

Sau 1975, ông tiếp tục theo nghề dạy học. Năm 1980, ông theo học lớp bồi dưỡng pháp lý XHCN rồi về làm việc ở Sở Tư pháp TP.HCM. Đến năm 1988, ông chính thức được bổ nhiệm công chứng viên, làm ở Phòng Công chứng số 1 - phòng công chứng đầu tiên ở Việt Nam. Sau 20 năm làm việc ở đây, nghỉ hưu năm 2009, ông tiếp tục về làm việc cho Văn phòng Công chứng (tư) Sài Gòn.

Khi còn đương chức trưởng Phòng Công chứng số 1, ông từng có sáng kiến tách bộ phận sao y ra khỏi mảng công chứng để dân đỡ khỏi tập trung, chờ đợi. Ông cũng là người cổ súy mạnh mẽ cho việc xã hội hóa nghề công chứng, góp phần đẩy nhanh sự ra đời của công chứng tư như ngày nay.

Tính đến khi về hưu, ông đã có gần 30 năm cống hiến cho ngành tư pháp nước nhà.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm