Cười ba tiếng!

Lúc này bốn phía Văn Miếu tràn ngập sĩ tử đến cầu may tạo nên cảnh tượng kẹt xe hãi hùng. Thấy lạ, vội rẽ đám đông chạy theo thầy.

- Kính bẩm, sáng sớm thầy đi đâu mà vội thế?

- Ta hằng ngày đọc sách nơi thanh vắng, nay chốn này quá đông nên trở bộ đến Hồ Gươm hóng gió vậy mà.

- Chết, sao thầy bỏ đi. Thầy không nghe lớp lớp hàng ngàn sĩ tử đang thắp nhang khấn vái cầu nguyện trước kỳ thi à? Sao thầy vô tình thế? Con nói thế không phải sao mà thầy lại cười, mà cười những ba tiếng?

- Ta rất quan tâm đến các lời cầu xin kia, bởi vậy mới cười, vừa cười vừa lo.

- Thầy nói vậy, con chưa hiểu?

- Đây này, xưa ta dạy học trò phải "cùng lý", nghĩa là bàn cãi cho biết lý lẽ của sự vật. Nay nghe sĩ tử vái học mà chẳng hiểu mô tê chi, muôn sự nhờ thầy. Đó là cái cười thứ nhất. Xưa ta dạy trò phải "chính tâm", nghĩa là không làm điều gì trái với lương tâm. Nay sĩ tử khấn ta giúp làm chuyện trái đạo lý, vào phòng thi giở phao không bị bắt. Đó là cái cười thứ hai. Xưa ta dạy "tịch tà", nghĩa là chống lại tà thuyết nhảm nhí. Nay đám học trò tin chuyện tầm phào cho rằng vào đây van vái khắc đậu, khỏi cần sôi kinh nấu sử. Đó là cái cười thứ ba. Mong sao các sĩ tử này chỉ là số nhỏ trong hàng vạn thí sinh ngày nay.

Nói rồi thầy Tư Nghiệp biến mất.

NGƯỜI SÀNH ĐIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm