Mầm non 30-4 là trường duy nhất của quận Bình Tân, TP.HCM thực hiện đề án giữ trẻ ngoài giờ, từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30. Lớp này có khoảng 40 trẻ, đều là con em của các công nhân đang làm việc tại KCN Vĩnh Lộc. Các em được tập hát, múa, được chơi trò chơi. Đặc biệt, các cô còn chia các bé thành từng nhóm nhỏ rồi kể chuyện, tập cho bé vẽ tranh, nặn hình.
Chị Huỳnh Thị Thúy Phượng, công nhân có con học tại Trường Mầm non 30-4, vui mừng khi trường giữ thêm ngoài giờ và thứ Bảy. Chị Phượng cho biết trước đây chị đều phải gửi con qua trường tư, nhóm trẻ hoặc nhờ cô giáo trong trường giữ hộ. Có nhiều hôm hai vợ chồng phải thay nhau nghỉ việc ở nhà giữ con. “Mức phí mỗi tháng thêm khoảng 450.000 đồng, không quá cao nên thấy yên tâm hơn so với gửi con bên ngoài” - chị Phượng nói.
Tương tự, khi biết trường có nhận giữ trẻ ngoài giờ và cả thứ Bảy, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Hoa Đào (KCX Linh Trung, Thủ Đức) vui mừng nhưng… chưa thực sự hài lòng vì áp lực về thời gian vẫn đè nặng.
Anh T., có con học ở đây, cho hay việc này chỉ giảm gánh nặng giữ con cho gia đình vào thứ Bảy là chính, còn các ngày trong tuần rất hạn chế. Vì vợ chồng anh tăng ca rất thất thường, khi cả hai vợ chồng đều làm ca tối, lúc lại cùng ca ngày, cũng có khi tăng ca đến 6 hoặc 8 giờ tối. Vì thế việc gửi con cũng làm phiền các cô.
“Trước đây cũng vì vậy mà vợ chồng tôi phải gửi con ở lớp nhỏ gần nhà cho tiện đưa đón và gửi đến mấy giờ cũng được. Nhưng vì sợ không an toàn, ăn uống không đảm bảo, lại được công đoàn giới thiệu nên cũng muốn cho con vào trường đàng hoàng. Tiền thì không quá cao nhưng thực sự chúng tôi rất rối về giờ giấc, chỉ được thứ Bảy là an tâm nhất vì ít khi tăng ca tối” - anh T. nói.
Cô và trò đọc truyện tranh trong giờ giữ ngoài giờ tại Trường Mầm non 30-4, KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Khó trăm bề
Thủ Đức là quận duy nhất của TP có đến hai trường mầm non nhận giữ trẻ ngoài giờ là Trường Mầm non Hoa Đào (KCX Linh Trung 1) và Hoàng Yến (KCX Linh Trung 2). Đây cũng là năm thứ hai trường nhận giữ trẻ ngoài giờ nhưng số trẻ cũng hạn chế.
Cụ thể, Trường Mầm non Hoa Đào, chỉ tiêu giữ trẻ ngoài giờ là 180 trẻ cho sáu lớp mẫu giáo nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 30-37 trẻ, riêng thứ Bảy có 150-180 bé được gửi giữ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh đăng ký nhiều nhưng do việc tăng ca thất thường, ngày có, ngày không nên số lượng mỗi ngày khác nhau. Thời gian quy định là đến 17 giờ 30 nhưng phần lớn phải đến 18 giờ phụ huynh mới xong việc để đến đón con, có khi còn muộn hơn. Vì thương phụ huynh nên trường chỉ tính một giờ giữ thêm, còn lại các cô giúp giữ trẻ cho phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30-4, lý giải thứ nhất, dù đã được Nhà nước và các KCN hỗ trợ nhưng học phí thu tại trường là 1,3 triệu đồng/tháng, tiền giữ trẻ ngoài giờ là 450.000 đồng/tháng. Trong khi đó, trên địa bàn có rất nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập cơ sở vật chất khang trang và có mức phí cạnh tranh hơn. “Khung giờ mà TP đưa ra là giữ thêm ngày thứ Bảy và giữ đến 17 giờ 30 các ngày thường chưa phù hợp với giờ làm việc của công nhân. Hơn nữa, quy định chỉ mới áp dụng nhận trẻ ba tuổi trở lên nhưng nhu cầu của phụ huynh có con từ 12 tháng tuổi đến 36 tháng cũng khá nhiều. Vì thế, nhiều phụ huynh thường chọn gửi con ở các cơ sở bên ngoài” - bà Toàn nói.
Về vấn đề này, bà Cao Thanh Tuyền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho biết sắp tới quận sẽ xin ý kiến của cấp trên về việc mở rộng đối tượng nhận giữ trẻ ở các tuổi khác. Đồng thời, quận cũng đang tiến hành khảo sát thống kê tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Bình để nắm nhu cầu thực tế rồi mới tính đến việc nhân rộng mô hình này.
Ai trả lương cho giáo viên giữ trẻ ngoài giờ? Một đại diện công đoàn KCX-KCN cho hay thời gian qua TP.HCM đã có đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ hành chính đến 17 giờ 30 và ngày thứ Bảy tại một số trường công lập thuộc Ban quản lý các KCX-KCN TP quản lý. Ban đầu có năm trường thực hiện thí điểm tại các KCX-KCN Linh Trung 1, 2, Tân Thuận, Vĩnh Lộc, Tây Bắc Củ Chi. Đề án này khi triển khai thí điểm, UBND quận Thủ Đức rất hào hứng hưởng ứng. Do cơ chế thí điểm nên số lượng trẻ bị khống chế để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có đánh giá toàn diện những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất là lấy từ nguồn nào để chi trả lương cho giáo viên vì giáo viên chỉ được trả lương giờ hành chính. Vì theo quy định, kinh phí giữ trẻ ngoài giờ là 50-50, tức 50% ngân sách nhà nước và 50% do các doanh nghiệp, KCX hỗ trợ và từ phụ huynh. Nhưng ngân sách thì lấy từ nguồn nào để chi trả, còn cơ chế doanh nghiệp hỗ trợ 50% cũng chưa rõ ràng. Đại diện Ban nữ công Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng chỉ có ngân sách mới đảm đương được việc này lâu dài vì cơ chế doanh nghiệp có khi cũng bấp bênh, còn công nhân xa quê họ đã có đóng góp công sức cho sự phát triển của các đô thị lớn, họ cần được sự quan tâm, ít nhất là con cái họ được học hành tử tế. PHONG ĐIỀN ghi Trẻ ở cơ sở Mầm Xanh không thể vào trường công Sau khi cơ sở Mầm Xanh (quận 12) bị đóng cửa vì bạo hành trẻ em, 36 trẻ theo học tại cơ sở này được lãnh đạo quận bố trí chuyển sang học tại ba trường công lập trong phường. Tuy nhiên, chỉ một số phụ huynh đồng ý, còn lại họ tiếp tục lựa chọn cho con học ở các lớp tư thục nhỏ lẻ hay nhóm trẻ gia đình để phù hợp giờ giấc làm việc. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quê Nha Trang) nói: “Công nhân chúng tôi rất mong con mình được gửi ở trường công nhưng ở đó chỉ giữ đến 16 giờ. Tôi biết làm sao khi phải tăng ca nhiều, thậm chí thứ Bảy, Chủ nhật cũng phải đi làm. Đồng lương cũng ít ỏi nên phải tìm trường tư nhỏ gửi tiếp thôi”. |