GS-TS Hương cho rằng ông không đạo văn mà chỉ tham khảo. Thế nào là đạo văn, trường hợp này có đạo văn không?
Hành vi “luộc văn”, “đạo văn” rất rõ ràng
Theo thông lệ, bất kể “sản phẩm tinh thần” nào nếu bị “mượn” từ 10% nội dung trở lên thì công trình mới kia bắt buộc phải ghi tên “đồng tác giả”, ít nhất cũng phải gộp thành mục riêng và có ghi tên tác giả. Đây là sản phẩm tinh thần, tác giả phải đổ mồ hôi, nước mắt mới có được. Tôi không chấp nhận cách trả lời của GS Nguyễn Đình Hương khi nói rằng mình chỉ tham khảo. Đây là hành vi “luộc văn”, “đạo văn” rất rõ ràng.
Năm ngoái, cuốn sách của tôi bị “đạo” 20 trang. Tác giả phải xin lỗi công khai trên báo Đất Việt. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, cho rằng nếu câu chuyện “đạo văn” chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi thì tính răn đe còn quá nhẹ. Và bà nhận định rằng một phần lý do thực trạng “đạo văn” diễn ra hằng ngày trên khắp các lĩnh vực là do chúng ta chưa có chế tài xử lý nghiêm.
Bây giờ “đạo văn” đã tràn lan, chúng ta không thể thờ ơ được nữa rồi. Những tác phẩm “đạo văn”, không có phát hiện gì mới về mặt học thuật (tư liệu không mới, kiến giải không mới, kết quả không mới, đề xuất không mới) mà vẫn được in ra, vẫn được trả nhuận bút, vẫn đem lại bổng lộc và chức vị cho người xào xáo. Điều này hết sức bất công, không những làm lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân mà hành vi dối trá này còn vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức khoa học và kìm hãm sự phát triển của học thuật.
Đã đến lúc phải gióng hồi chuông cảnh báo giới trí thức đang bị lún sâu vào vấn nạn “đạo văn” này, đồng thời có biện pháp xử lý thật nghiêm minh nếu như muốn có một nền học thuật lành mạnh, minh bạch và phát triển. Một số người còn đề nghị phải xem xét tội “đạo văn” như một tội phạm kinh tế nữa vì cho rằng việc “đạo văn” không chỉ làm phương hại đến sự tôn nghiêm của học thuật và nghệ thuật, ảnh hưởng đến trình độ dân trí mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế đất nước vì đã dùng tiền đóng thuế của dân để trả cho những những sản phẩm không có tính sáng tạo của những kẻ lười biếng.
Vấn đề này đối với nước ngoài, được làm một cách triệt để. Sách bị phát hiện “đạo văn” bị thu hồi, hủy, giải thưởng đã được trao cũng bị tước, những công trình “đạo văn” liên quan đến việc xin các chức danh học hàm, học vị thì cũng sẽ bị tước học hàm, học vị. Điều này tạo lập nên ý thức của các thế hệ nghiên cứu. Họ càng trung thực bao nhiêu trong các công trình của mình thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Do vậy, việc nghiên cứu khoa học cũng sòng phẳng, những phát kiến mới được đánh giá cao, mặc dầu những phát kiến này không đi xa thế hệ trước là bao nhưng sự minh bạch trong học thuật này sẽ tạo ra sự minh bạch trong khoa học và bớt đi những kẻ muốn tiến thân theo cái lối “dậu đổ bìm leo”.
TS NGUYỄN XUÂN DIỆN, Phó Giám đốc thư viện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm
“Đạo” 2/3 nội dung, không thể nói là tham khảo
Ông Thọ muốn làm rõ “đứa con tinh thần” của mình có đúng bị “đạo” không có thể gửi đơn thư đến chỗ chúng tôi. Hội đồng giám định sẽ vào cuộc và làm rõ. Kết luận sẽ chỉ có một lỗi: ăn cắp hay không. Một quyển sách mà 2/3 nội dung bị “đạo” thì không thể nói rằng tham khảo. Và việc anh đã nhận tiền nhuận bút, cho dù chỉ là một xu thôi cũng là vi phạm, phải bồi hoàn tiền cho tác giả gốc. Số tiền này là thỏa thuận giữa hai bên, nhà nước không can thiệp. Ngoài ra, nếu trong vụ này, PGS Thọ yêu cầu thu hồi tác phẩm “đạo” này, NXB cũng phải làm theo.
Theo quy định, NXB phải chịu trách nhiệm và sẽ bị phạt trong vụ việc này. Bản thân tác giả “đạo văn” cũng phải xin lỗi công khai trên một tờ báo.
Ông PHẠM VIẾT ĐÀO, Trưởng phòng Thanh tra hành chính và chống tham nhũng của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch
Tôi khuyên dẫn nguồn tác giả
Tôi nhớ GS-TS Nguyễn Đình Hương có đến trung tâm, có đưa một danh sách phân vùng để nhờ xem lại địa danh có đúng không. Khi bác Hương xin đọc tài liệu ở phòng Nghiệp vụ, có hỏi giám đốc trung tâm rằng trong hai cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 của PGS-TS Ngô Đức Thọ thì nên tham khảo cuốn nào cho chuẩn. Trung tâm đã khuyên GS Hương nên tham khảo cuốn tái bản lần hai. Ngoài ra, tôi cũng khuyên phải dẫn nguồn sách tham khảo.
Bà ĐỖ THỊ TÂM, phụ trách Trung tâm Thông tin hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám
Đây còn là chuyện đạo đức
Tôi thấy cách trả lời của ông Hương trên báo Pháp Luật TP.HCM thật buồn cười. Ông ấy đã đến nhà tôi và thừa nhận bản liệt kê lý lịch trích ngang của các TS Nho học từ thời Lý đến thời Nguyễn có “đạo” 350 trang trong tổng số gần 600 trang (chiếm hơn 60% nội dung cuốn sách) từ cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam của tôi, thế mà lại nói không phải mình sai. Ông Hương đã thừa nhận với tôi rằng ông đã có công “sắp xếp lại gần 300 TS theo các địa phương”.
Không chỉ chuyện “đạo văn” , đây còn là chuyện đạo đức.
PGS-TS Hán Nôm học NGÔ ĐỨC THỌ
TỐ NHƯ ghi
"Đạo văn" là gì? Cho đến nay rất nhiều định nghĩa về "đạo văn" (plagiarism) đã được đưa ra. Những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như phân biệt các mức độ chép từ bản gốc: - Chép nguyên văn (đạo văn - plagiarism), - Chép một phần và chế một phần gọi là paraplage (có thể do ghép hai từ paraphrase và plagiarise, tạm dịch là “độn văn”)... Diễn đạt lại hoặc dịch lại ý tưởng của người khác có phải "đạo văn"? Nếu diễn đạt lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình chứ không chép nguyên xi thì có bị xem là "đạo văn" không? Ngay cả khi câu chữ đã bị thay đổi hết nhưng ý tưởng gốc không đổi thì vẫn là bị xem là "đạo văn" như thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần chứng minh nghi can "đạo văn" có biết đến tác phẩm gốc, hoặc thậm chí là có sẵn tác phẩm đó trong tay khi sửa lại câu chữ. Hiện tượng này có thể tạm gọi là “nhái văn”, một dạng của "đạo văn", nó giống như làm hàng nhái, cũng là một loại ăn cắp ý tưởng. Không cố ý, phải chăng là "đạo văn"? Việc vô tình hay cố ý không có can hệ gì ở đây. Hành vi sử dụng tài liệu mà không chú dẫn tự nó đã đủ để buộc tội một người nào đó là "đạo văn" rồi. (Trích bài viết của TS Vũ Thị Phương Anh biên dịch từ “Plagiarism in Colleges in USA” của Ronald B. Standler, công bố năm 2000 ; “Academic misconduct, definitions, legal issues, and management” của P. A. Addison, công bố năm 2001). |