Phó Chủ tịch Dương Ngọc Hải: Cần phân cấp nhiều hơn nữa để tạo sự đột phá cho TP.HCM

(PLO)- TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng... các nội dung cần phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh, tạo điều kiện hơn nữa trong tạo sự đột phá cho TP giai đoạn mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành nội vụ.

Nghị quyết 98 giúp khơi thông, tạo đà cho TP phát triển

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho hay TP.HCM là một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế với quy mô dân số lớn nhất cả nước, tỉ lệ đô thị hóa cao nhất (gần 80%); là trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Hải, trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã xác định “Xây dựng, phát triển TP.HCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”.

Phó Chủ tịch Dương Ngọc Hải: Cần phân cấp nhiều hơn nữa để tạo sự đột phá cho TP.HCM
TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng... các nội dung cần phân cấp, phân quyền nhằm tạo điều kiện hơn nữa trong tạo sự đột phá cho TP giai đoạn mới. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM cũng nhận thức cần những đột phá hơn nữa trong cơ chế, chính sách, tổ chức chính quyền đô thị với bộ máy điều hành tương xứng. Do vậy, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền sẽ giúp phân định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn các cấp trong bộ máy hành chính. Từ đó, góp phần sử dụng hiệu quả nhất, tối ưu nhất khả năng vận hành của hệ thống; tạo nền tảng quan trọng để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, gắn với liên kết vùng, khu vực, thế giới; phát triển đa trung tâm; hình thành “chuỗi đô thị” với các mô hình chính quyền đô thị đã được kiểm chứng vận hành hiệu quả.

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đã tham mưu cho Trung ương ban hành nhiều chính sách, trong đó có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. “Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP” – ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, UBND TP đã phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM.

“Hiện nay, TP đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền ủy quyền và đạt được những kết quả quan trọng; tạo chuyển biến thực chất, tích cực trong hoạt động của chính quyền các cấp ở TP” – phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói và cho hay với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, UBND TP.HCM đã chủ động chỉ đạo thực hiện triệt để các cơ chế, chính sách đã được phân cấp, thí điểm.

Cụ thể, Thành lập Sở An toàn thực phẩm TP thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về công tác an toàn thực phẩm trên các lĩnh vực thuộc Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Y tế; hoàn thiện cơ cấu tổ bộ máy UBND TP Thủ Đức.

Cạnh đó, TP cũng đã ủy quyền cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.

HĐND TP cũng ban hành Nghị quyết 111/2024 thông qua Đề án Phân cấp quản lý nhà nước của UBND TP trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, phân cấp 18 nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa- thể thao, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ cho các cơ quan, đơn vị. Đến nay, đã ban hành 58 quyết định ủy quyền với 174 nội dung, 33 Quyết định phân cấp với 130 nội dung cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức trên các lĩnh vực đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông vận tải, đất đai, văn hóa, giáo dục, nội vụ, môi trường, du lịch.

"Điều này đã có tác dụng quan trọng trong quá trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp..." - ông Hải khẳng định.

Dù đã phân cấp phân quyền nhưng vẫn phải lấy ý kiến nhiều bộ, ngành...

Dù vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Ngọc Hải, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền vẫn phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành, phải qua nhiều khâu trung gian. Trong quá trình thực hiện, dù đã phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng do chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị có sự liên quan lẫn nhau nên khi thực hiện phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn tới thời gian giải quyết vẫn còn chậm.

Một vấn đề khác, khối lượng thủ tục hành chính cần giải quyết tại TP.HCM là rất lớn. Với đặc thù dân số khoảng 10 triệu người, quy mô hơn 300.000 doanh nghiệp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tuy có cao hơn các tỉnh, TP nhưng nếu phân tích khối lượng hồ sơ xử lý trung bình của từng nhân sự sẽ thấy được áp lực của công việc lên đội ngũ là rất lớn, trong khi đó thu nhập lại chưa tương xứng.

Theo các khảo sát gần đây, bình quân một công chức TP phục vụ 346 người (tính cả biên chế phường, xã, thị trấn), hơn gấp 2 lần so với cả nước (152 người).

Hay một số nội dung đã được quy định chủ trương phân cấp nhưng phải xin ý kiến cấp Bộ ngành quản lý, điều này dẫn đến việc triển khai không triệt để, đôi khi thời gian chờ ý kiến đồng ý của cấp trên kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

“Với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ kiên trì thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền phù hợp với năng lực thực hiện, điều kiện thực tế ở các cấp, các lĩnh vực, địa phương; có thể thí điểm đẩy mạnh hơn nữa phân cấp tới cấp phường” – ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, TP sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và Bộ, ngành liên quan các nội dung cần phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh. Qua đó, tạo điều kiện hơn nữa trong tạo sự đột phá cho TP.HCM giai đoạn mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm