‘Họ sống mãi trên đồng bưng Láng Sấu’

LTS:50 năm trước, đêm 15-6-1968, trên đồng bưng Láng Sấu (xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP.HCM), 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Dưới đây là lời kể của bà Nguyễn Thị Khỏi (74 tuổi), một nữ dân công còn sống sót trong trận địch càn năm ấy về cái đêm bi hùng này…

Khoảng 22 giờ 30 ngày 15-6-1968, đoàn dân công 55 người được lệnh của chi Bộ xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh đưa thương binh từ ngã tư Tân Hòa 1 (Vĩnh Lộc, Bình Chánh) vượt cánh đồng dứa, bưng Láng Sấu (xã Vĩnh Lộc) xuống Bình Thủy (Long An) và tải súng, đạn về Sài Gòn-Gia Định. Khi cả đoàn vừa tới mé bờ kinh bưng Láng Sấu thì bị máy bay địch phát hiện, oanh kích ác liệt. 32 dân công hỏa tuyến đã mãi mãi nằm lại trên đồng bưng Láng Sấu.

“Đứa nào sống về nhắn má lo cho con tao với...”

Đêm hôm ấy có nhiều người chết lắm! Tụi nó còn trẻ hơn cả mình, mới 16, 17 tuổi chứ nhiêu đâu! Lúc đó tôi chỉ vừa 24 tuổi, tham gia nhiều công tác ở địa phương.

Trước đêm định mệnh đó, tôi cùng nhiều người khác nhận được lệnh triệu tập của địa phương. Tới điểm tập kết thì các chú, các anh mới bảo nhiệm vụ sắp tới của chúng tôi là tải thương, tải đạn từ ngã tư Tân Hòa 1 vượt cánh đồng dứa, bưng Láng Sấu xuống Bình Thủy và tải súng đạn về Sài Gòn-Gia Định. Tôi còn nhớ rõ các chú dặn dò lứa thanh niên trẻ chúng tôi rằng: Tham gia cách mạng khổ lắm, trên thì bom bay đạn nổ, dưới thì sình lầy chông gai nhưng các em phải cố gắng. Lúc đó chúng tôi chỉ biết lấy lời động viên của các chú mà quyết hoàn thành nhiệm vụ.

Thời điểm đó, đoàn của chúng tôi gồm 55 người, chia thành nhiều đợt khác nhau mới có thể tải hết số lượng súng đạn cần đưa về Sài Gòn. Đợt đầu tiên, mọi người di chuyển an toàn nhưng đến đợt thứ hai thì bị địch phát hiện...

Khi chúng tôi cố di chuyển để lên tới bên kia đìa dứa thì máy bay của địch quần đảo trên đầu, chúng rọi đèn rà kỹ từng ngõ ngách. Chúng tôi nép mình chui vô đìa dứa nhưng do cả 55 con người cùng nằm gần nhau nên chúng phát hiện. Tôi bị ngộp nước, cố ngoi lên để thở nhưng chỉ dám để mũi cách mặt nước một khoảng nhỏ rồi lại lặn xuống... Tụi nó rọi đèn, bắn xối xả vô đìa dứa. Lúc đầu mọi người còn nằm im nhưng lúc sau thì không ai nằm yên được nữa...

Bà Nguyễn Thị Khỏi, nữ dân công hỏa tuyến, kể lại chuyện bi hùng tại cầu truyền hình “Bản hùng ca mùa xuân - chân trần chí thép” hôm 21-1-2018. Ảnh: TÁ LÂM

Mọi người tìm đường chạy khỏi sự truy lùng của địch. Trên đầu địch vẫn không ngừng nã súng. Tôi nằm sát hai chị đã có gia đình và có con, chị khóc bảo: “Đứa nào còn sống trở về thì nhớ nhắn má tao lo cho con tao với...!”. Mấy chị em ôm nhau khóc, lúc sau thì rời khỏi tay nhau. Chúng tôi phải tự tìm đường thoát chứ không thể đi cùng nhau. Tôi vừa bươn ra khỏi đìa dứa thì nghe tiếng súng nổ liên tục ba phát phía sau. Tôi biết mình vừa mất đi những người chị thân thiết.

Tôi lấy hết sức để tìm đường sống. Một đồng đội của tôi khi đó đứng cách tôi 10 thước, hai người nhìn thấy nhau rồi định sẽ cùng nhau chạy. Lúc đó chỉ biết chạy được bao nhiêu thì chạy, đìa dứa nó cản mình chạy nhanh, tôi dốc hết sức đi được bao nhiêu thì đi. Thấy cô bạn đứng cách đó 10 thước, tôi và bạn cùng la lên: Chạy!... Hai chiếc máy bay đã ép sát xuống chỗ cô bạn tôi rồi đuổi theo, tôi không biết chúng có bắn bạn hay chưa…

“Mình làm gì được cho đất nước thì cứ làm...”

Trận tập kích của địch hôm ấy đã khiến 32 dân công hỏa tuyến chúng tôi mãi mãi nằm lại ở tuổi thanh xuân.

Sau trận tập kích đó, các nữ dân quân phần thì bị thương, phải dưỡng bệnh, phần thì chuyển sang công việc khác nhưng vẫn là phục vụ chiến đấu.

Vào những năm 1967-1968, trai tráng trong làng đều tham gia cách mạng, vào lực lượng quân giải phóng. Trong làng chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em.

Mấy anh lo ở tiền tuyến, mình phận con gái ở hậu phương làm được gì thì làm. Lúc đó tôi 24 tuổi, làm đủ thứ việc ở địa phương rồi đi dân công luôn. Nhiệm vụ dân công chúng tôi là chuyển thương, tải súng đạn. Khi chuyển thương binh, lúc xuống bưng, nước lên tới đầu gối còn có chỗ ngập ngang bụng, mấy chị em phải giơ cần gánh lên đầu để các anh không bị ướt người. Có hôm đã đi về tới Vĩnh Lộc rồi mà bị lộ, lính nó dí chạy gần chết.

Lúc đó, ai cũng nghĩ làm việc gì đó để góp phần kết thúc chiến tranh, giành lại hòa bình và thống nhất đất nước. Mình làm được gì cho đất nước thì cứ làm thôi!

♦ ♦ ♦

Ngày 20-5 âm lịch tới đây (tức ngày 3-7) là tròn 50 năm sau cái đêm định mệnh đó. Tôi đang đi mua đồ để lo mâm cúng giỗ. Năm nào cũng vậy, tôi cùng mấy người bạn lên Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 thắp nhang. Cứ mỗi lần đến là cảm xúc lại dâng trào, vẹn nguyên như chuyện mới vừa hôm qua...

Nữ dân công NGUYỄN THỊ KHỎI

Có con đường tên gọi Nữ Dân Công

Con đường ngày xưa các đoàn dân công hỏa tuyến đã đi qua để vận chuyển súng đạn từ căn cứ Bình Thủy (Đức Hòa, Đức Huệ, Long An) lên Sài Gòn-Gia Định và đưa thương binh về tuyến sau ấy hiện mang tên Nữ Dân Công hay Dân Công Hỏa Tuyến. Cuối con đường ấy là Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968, được xây ngay vị trí 32 nữ dân công đã hy sinh trong đêm 15-6-1968.

Trong nhà tưởng niệm là hai tấm bia khắc tên 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến, trong đó có 25 nữ và bảy nam. Đa số các anh, các chị khi hy sinh đều ở tuổi 16, 17, 19; người lớn nhất mới 33 tuổi. Có năm trong 32 liệt sĩ đã có gia đình trước lúc hy sinh...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm