Hơn 800 ha tôm chết trắng ao

Hàng ngàn hộ nuôi tôm ở vùng phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế) như ngồi trên đống lửa bởi hơn 800 ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), Vinh Hưng, Vinh Hà (huyện Phú Lộc), tôm nhiễm dịch chết gần hết. Hơn 800 hộ dân xã Vinh Hưng ngập sâu trong nợ nần vì 100% diện tích nuôi tôm đều bị dịch.

Ông Văn Công Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, cho biết: “Chỉ một tháng nay, 270 ha tôm nuôi của người dân trong xã bị dịch bệnh chết sạch, thiệt hại hơn 5 tỉ đồng. Hộ mắc nợ ngân hàng ít nhất cũng 50 triệu đồng, có hộ nợ đến 300 triệu đồng...”. Ông Nguyễn Văn Khôi, người nuôi tôm ở xã Vinh Hưng, chua xót: “Gia đình tui thế chấp nhà vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư nuôi tôm. Rứa mà chỉ một tuần nay, hơn 1 ha tôm nuôi của tui chết sạch, chừ chẳng biết làm chi kiếm tiền trả ngân hàng!”. Hơn 600 hộ nuôi tôm ở xã Phú Xuân cũng rơi vào tình cảnh sống dở chết dở khi số nợ ngân hàng của người nuôi tôm đã hơn 50 tỉ đồng. Nợ mới chồng nợ cũ, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Phú Xuân đang đứng trước nguy cơ trắng tay, mất nhà, mất đất, phải tha phương cầu thực.

Hơn 800 ha tôm chết trắng ao ảnh 1

Hơn 800 ha tôm chết do dịch bệnh khiến người dân Thừa Thiên-Huế điêu đứng vì nợ nần. Ảnh: NGUYÊN LINH

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay: “Nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt là do người dân mua tôm giống kém chất lượng về thả nuôi. Tôm giống kém chất lượng rất dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi thất thường. Ngoài ra, môi trường nước của các hồ nuôi còn bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng nguồn nước từ đầm phá và do thức ăn thừa không được xử lý kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật. Khi xảy ra dịch bệnh, vì sợ tốn kém nên các hộ nuôi không xử lý mà tự động tháo nước ra ngoài khiến mầm bệnh lây lan trên diện rộng”.

Theo bà Võ Thị Tuyết Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong số tám mẫu tôm gửi đi xét nghiệm thì có bốn mẫu mắc bệnh đầu vàng. Đây là loại dịch bệnh xuất hiện lần đầu ở tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu tạm dừng việc thả nuôi tôm trong vùng bị dịch bệnh, không để vận chuyển tôm, sản phẩm tôm nuôi hoặc tôm giống ra khỏi vùng có dịch... Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất 20 tấn hóa chất Chlorin hỗ trợ người dân khử độc dập dịch. Tuy nhiên, số hóa chất này mới chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu thực tế.

NGUYÊN LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm