Suốt 10 năm qua, anh Trần Kiến Xương (tên thường gọi là Trần Vũ Bình), Phó Chánh Văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan VKSND Tối cao tại TP.HCM, vẫn âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật của cha, của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Anh Trần Vũ Bình là con trai của chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức ông Năm Lai, hay còn gọi là Mai Hồng Quế, Năm U.SOM).
Anh Trần Vũ Bình (trái) đang kể về câu chuyện mình phục dựng điểm di tích cùng một số đồ vật trong căn nhà.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn ngay tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM vừa chính thức khai trương, mở đầu cho chuỗi quán cà phê ngay tại di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Nơi đây vốn là di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn. Thời kỳ cách mạng, ông Năm Lai dưới vỏ bọc là một nhà tư sản, chuyên đi trang trí nội thất đã mua lại căn nhà ở địa chỉ này để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, người thợ làm cùng ông quản lý.
Bên ngoài quán cà phê ngay tại điểm di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn.
Bề ngoài, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán cơm tấm nhưng căn nhà thực chất là để nuôi giấu cán bộ; cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng và cả thuốc Tây ra chiến khu và qua các nước bạn như Lào, Campuchia...
Nói về quán cà phê này, anh Trần Vũ Bình nói rằng điều đó xuất phát từ tình yêu thương với gia đình, với người cha, với những người lính Biệt động Sài Gòn mà anh đã may mắn được trò chuyện cùng họ. Vì thế, nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, anh Bình tìm mọi cách để chuộc lại những căn nhà vốn là nơi hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn, tự mày mò để phục dựng nguyên bản từng căn hầm bí mật, từng hiện vật để làm di tích lịch sử cho mọi người đến tham quan.
Hai vợ chồng ông bà Đỗ Miễn-Nguyễn Thị Sự là chủ nhân của căn nhà này, được ông Trần Văn Lai giao lại để làm hầm bí mật...
Sau quán cà phê này, những quán cà phê khác cũng sẽ dần ra đời ở các điểm di tích còn lại. Anh còn ấp ủ thực hiện kế hoạch xây dựng một “tour” du lịch độc đáo, chở khách đi khắp Sài Gòn bằng những chiếc xe cổ của cha, đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh và hiểu tường tận những câu chuyện về Biệt động Sài Gòn huyền thoại.
Dưới đây là những hình ảnh bên trong của quán cà phê:
Chiếc máy may từng được vợ chồng ông bà Đỗ Miễn sử dụng...
Chiếc máy ảnh cũ hiệu Vashica 635...
Quán cà phê theo phong cách của một Sài Gòn xưa, được bài trí từ những chiếc ghế, tấm khăn trải bàn... đều mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa.
Một góc khác của quán cà phê.
Chiếc tivi cũ bên ánh đèn vàng theo hơi hướng hoài niệm.
Máy chiếu phim nhựa xưa hiệu Manon Cabimat.
Một cái kệ nhỏ để card visit của ngày xưa.
Chiếc đồng hồ là một trong những vật dụng mà ông Đỗ Miễn sử dụng.
Chiếc bàn ủi gỗ...
Một không gian khác trên gác nhỏ của căn nhà.
Chiếc điện thoại được đặt đúng vị trí của căn nhà ngày xưa.
Một thỏi vàng lá mà anh Bình cất công tìm kiếm...
Vàng được bọc trong một tấm giấy, ngay cả nếp gấp cũng rất chỉn chu.
Tờ tiền mười xu từ năm 1966...
Một tờ tiền bị xé mất phân nửa, đây là dấu mật khi các chiến sĩ hoạt động ngầm trao đổi với nhau. Mảnh còn lại khớp với phần này thì đúng là người cần gặp...
Những chiếc lon guigoz dùng để cất thư mật...
Thỏi vàng được chuyển đi khắp nơi, qua cả Lào, Campuchia...
Hầm nổi, nơi những chiếc hộp thiếc cất giấu thư mật được giấu kín bên dưới 1 tấm ván. Dây thừng được móc vào miếng ván và chiếc hộp để kéo lên lấy mật thư khi cần...
Một góc nhỏ trên căn gác của căn nhà được ngụy trang như một cái tủ để đồ dùng thông thường...
Nhưng bên trong là một lối thoát khi có việc khẩn cấp...
Hộp thư bí mật ngay góc chân tường trong bếp của căn nhà. Bên trên là đồ dùng sinh hoạt hằng ngày nên đối phương khó mà phát hiện được.
Một góc chân tường khác, dưới chân cột nhà được kê một miếng đá, khoảng trống bên trong dùng để giấu những vũ khí nhỏ như súng ngắn, thuốc men...
Tủ bán thuốc gỗ, bàn ghế gỗ theo kiểu xưa.
Những cái máy mà người xưa hay dùng được anh Bình tìm kiếm, phục dựng nguyên trạng rồi mang về đây trưng bày.
Ngay đến cả những cái ly, muỗng khuấy cà phê cũng nguyên gốc như ngày xưa...
Bên trên là căn gác nhỏ, ẩn dấu những dấu tích của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Những bức ảnh, giấy tờ chứng nhận hai ông bà Đỗ Miễn-Nguyễn Thị Sự và nhiều tư liệu quý về chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ngày xưa.
Không gian của quán cà phê nhỏ nhưng ấm cúng, lại có thể cung cấp thêm nhiều góc nhìn cho khách khi đến đây uống cà phê và tham quan. Anh Trần Vũ Bình tâm sự anh không chú trọng đến kinh doanh mà chỉ muốn tạo điều kiện để mọi người đến đây có cơ hội hiểu thêm lát cắt lịch sử về những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời. Sau quán cà phê này, anh còn ấp ủ mở thêm nhiều quán cà phê ở các điểm di tích khác.
Con gái ông Đỗ Miễn đứng bán cơm như xưa Bà Hai Mão, con gái lớn của ông bà Đỗ Miễn - Nguyễn Thị Sự, chủ nhân căn nhà, sẽ lại đứng bếp, nấu cơm tấm như bố mẹ bà từng bán. Bà cũng sẽ làm món kim chi Đại Hàn ăn kèm (vốn là yêu cầu của lính Hàn ngày xưa khi đóng quân tại đây).
Tại đây, khách cũng sẽ được uống cà phê vợt, ngắm hiện vật, hình ảnh xưa để nhớ về những người thợ thuyền làm nên Dinh Độc Lập, cũng là những chiến sĩ Biệt Động Sài Gòn một thời làm rúng động chính quyền Sài Gòn. |