Khổ vì không có CMND-Bài 3: Ba sở cần ngồi lại giải quyết cho dân!

Đó là ý kiến của Thượng tá Cao Văn Đen, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM. Theo Thượng tá Đen, hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân.

Phải có hộ khẩu mới được làm CMND

Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, cho biết: Theo Nghị định 05/1999, Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định về CMND thì “công dân VN từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ VN có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND”. Như vậy, để được cấp CMND thì công dân phải có hộ khẩu thường trú; người chưa có hộ khẩu thường trú trước hết phải hoàn tất thủ tục này, sau đó mới được làm CMND theo quy định.

“Những trường hợp sống trong cô nhi viện hoặc trong các chùa, mái ấm… thì nơi nuôi dưỡng có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú với cơ quan công an. Trường hợp có nơi đăng ký thường trú mà bỏ nhà đi lang thang thì phải về nơi đăng ký thường trú để làm CMND” - Đại tá Thắng nói thêm.

Không có CMND nên đời sống của chị Nguyễn Thị Cúc với tám đứa con gặp nhiều khó khăn. Chủ nhiệm tổ chức mái ấm Tre Xanh thăm hỏi gia đình chị Cúc để hỗ trợ các hoạt động vui chơi, học kỹ năng sống, xin vào học lớp tình thương… cho các cháu. Ảnh: T.MẬN

Như vậy, công dân muốn làm CMND phải đáp ứng điều kiện bắt buộc là có hộ khẩu thường trú. Đại tá Đoàn Ngọc Minh, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM (chuyên về quản lý CMND), cho rằng trước đây, Quyết định 143 của Hội đồng Chính phủ ngày 9-8-1976 có quy định rõ về việc cấp CMND cho công dân. Theo đó, công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương nào thì về địa phương đó làm thủ tục xin cấp CMND. “Về sau, những quy định về cấp CMND có một số sửa đổi về hình thức cấp CMND nhưng về nội dung thì không thay đổi. Đối với tất cả trường hợp, công dân nào có địa chỉ thường trú cụ thể thì mới được cấp CMND” - Đại tá Minh minh định.

Các sở cần ngồi lại

Thượng tá Cao Văn Đen, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM (chuyên về quản lý hộ khẩu), giải thích thêm: Theo Hướng dẫn số 06 của Công an TP.HCM về việc thực hiện công tác đăng ký và quản lý cư trú trên địa bàn TP.HCM, nhân khẩu độc thân tại các cơ sở, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú phải có văn bản đề nghị của cơ sở, tổ chức nêu rõ thông tin cơ bản của từng người. Những thông tin này gồm họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo,… giấy CMND, bản khai nhân khẩu của người từ 14 tuổi trở lên; giấy khai sinh (trường hợp chưa đăng ký thường trú ở đâu), giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận xóa khẩu. Kèm theo điều kiện đó là các cá nhân, tổ chức chăm sóc và nuôi dưỡng tập trung phải có giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Sau đó, các cơ quan mới giải quyết đăng ký thường trú.

Đối với những trường hợp đặc biệt, không xác định được quê quán cụ thể thì công dân phải liên hệ với ngành tư pháp để được hướng dẫn làm giấy khai sinh. Sau khi có giấy khai sinh, Công an TP sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an để giải quyết đăng ký tạm trú hoặc thường trú cho những trường hợp này (vì theo quy định phải có CMND thì công dân mới được đăng ký tạm trú, thường trú).

Theo Thượng tá Đen, hiện nay TP.HCM có rất nhiều trường hợp rơi vào cảnh không có giấy tờ tùy thân. “Nên chăng ba sở LĐ-TB&XH, Tư pháp, Công an TP.HCM có một buổi họp để ngồi lại với nhau nhằm vận dụng những quy định và tình hình thực tế để có hướng giải quyết cho người dân. Nếu cần thiết, các sở đề xuất ý kiến lên UBND TP.HCM để gỡ vướng cho những trường hợp cụ thể” - Thượng tá Đen nói.

TỐ NHƯ - NGUYỄN HIỀN

Linh động khai sinh quá hạn cho người mồ côi

Điều 8 Nghị định 158/2005 xác định việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú. Nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu.Trường hợp vợ chồng chị Phượng, cần liên hệ với UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM (nơi đang cư trú) để làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn.

Về thủ tục đăng ký khai sinh cho người mồ côi đã thành niên, cơ quan đăng ký hộ tịch phải linh động giải quyết. Những nội dung trong khai sinh được ghi theo lời khai của người đăng ký khai sinh, nếu thiếu loại giấy tờ nào thì cho phép họ làm giấy cam kết thay thế. Cơ quan đăng ký hộ tịch cũng không phải quá lo ngại rủi ro về chuyện khai báo, cam kết không đúng sự thật, vì nếu phát hiện gian dối thì vẫn còn có cơ chế thu hồi, hủy bỏ những giấy tờ hộ tịch sai phạm. Nếu địa phương nào còn có vướng mắc thủ tục đăng ký thì chúng tôi sẽ có công văn hướng dẫn cụ thể.

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch,
Quốc tịch và Chứng thực, Bộ Tư pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm