Sau nắng hạn khốc liệt sẽ đến bão lũ dồn dập

Sau nắng hạn khốc liệt sẽ đến bão lũ dồn dập ảnh 1

(Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo nhận định mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các tháng tiếp theo của mùa mưa bão năm nay sẽ chuyển sang trạng thái La Nina, tình hình thời tiết sẽ diễn biến rất phức tạp.

Thời tiết thay đổi dị thường

Theo tiến sĩ Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tong hai tháng đầu mùa mưa bão năm nay (tháng 6 và tháng 7), tổng cộng đã có sáu đợt nắng nóng khá gay gắt và kéo dài hơn so với cùng kỳ năm 2009.

Đặc biệt là đợt nắng nóng xảy ra trong tháng 6 trên diện rộng, kéo dài hiếm thấy tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ (từ ngày 8-20/6). Nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng từ 37-40 độ C, có nơi lên tới trên 40 độ C và đạt giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được, như Láng (Hà Nội) 40,4 độ C (ngày 19/6, tương đương với giá trị cao nhất trong lịch sử, xảy ra vào tháng 13/6/1949), Con Cuông (Nghệ An) 42,2 độ C (ngày 19/6, đây cũng là nơi có giá trị cao nhất trong đợt nắng nóng này).

Tiếp đó, trong những ngày đầu tháng 7, nhất là hai ngày 7 và 8/7 vừa qua, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lại xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến là 36-39 độ C, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao nhất lên tới trên 40 độ. Dự báo nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ sẽ kéo dài đến hết ngày 12/7, sau đó nền nhiệt độ cao nhất sẽ giảm xuống dưới 37 độ C.

Nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc hai tháng đầu mùa mưa bão cũng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt từ các tỉnh Trung Bộ trở vào, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, có nơi còn cao hơn.

Ngược lại với nắng, tổng lượng mưa hai tháng đầu mùa trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Trung Bộ, lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Tình trạng này càng trở nên gay gắt hơn nữa do trước đó, các tháng mùa khô 2009-2010 cũng đã thiếu hụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Hậu quả khô hạn

Nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng nên tình hình dòng chảy ở các sông miền Trung thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 50 đến 70%. Đặc biệt, vùng Bắc Trung Bộ và các tỉnh Phú Yên, Bình Định, mực nước các hồ chứa đang cận kề với mực nước chết.

Mực nước tại các thủy điện miền Trung như sông Ba Hạ cao hơn mực nước chết 48cm; hồ thủy điện Vĩnh Sơn cao hơn mực nước chết là 1m; thủy điện Thác Mơ là cao hơn mực nước chết 80cm...

Tổng lượng mưa cả nước trong tháng 6 chỉ bằng 40% so với mọi năm, riêng khu vực Trung Bộ chỉ bằng 10-20%. Thời tiết ngày càng có những thay đổi dị thường làm gia tăng các loại sâu bệnh trên cây trồng, gia tăng cường độ thiên tai, hỏa hoạn, đảo lộn mùa vụ và đang đe dọa cả những thành tựu khoa học mà lĩnh vực nông nghiệp đạt được.

Chưa năm nào, nông dân cả nước lại phải đối mặt với hình thái thời tiết khắc nghiệt, gây bất lợi cho sinh hoạt đời sống và mùa màng, bùng phát những điểm cháy rừng có nguy cơ lan rộng như năm nay.

Miền Bắc, miền Trung khô hạn cục bộ, gay gắt, miền Nam sâu bệnh tấn công và mặn hóa xâm nhập nghiêm trọng. Không chỉ thiếu nước cho sản xuất, nước cho sinh hoạt cho nhiều vùng dân cư cũng đang trong tình trạng rất khó khăn.

Trong khi vụ lúa Đông Xuân ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng bị đe dọa mất mùa do khô hạn kéo dài, thì vựa lúa chính của cả nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, liên tiếp từ giữa tháng 2 đến nay mặn đã xâm nhập sâu từ 35-70km vào vùng ngọt ổn định, gây ảnh hưởng nhiều đến diện tích lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ảnh hưởng của mặn hóa đối với vụ lúa Đông Xuân 2009-2010 đến các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre... là 620.000 trên 1.545.000ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng.

Tình trạng mặn hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng kéo dài đến đầu vụ hè thu với khoảng 550.000ha lúa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Hiện có khoảng 100.000ha lúa vụ hè thu ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên bị hạn nặng, trong đó có 30.000ha bị hạn rất nặng.

Nếu tình hình không có mưa và không được cải thiện về nguồn nước tưới, chắc chắn 70.000ha lúa sẽ chuyển thành diện tích bỏ hoang, tất cả 100.000ha lúa sẽ bị hạn rất nặng.

Mưa bão tập trung vào cuối mùa

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định năm nay mùa mưa bão đến muộn và có khả năng cũng kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Cần phải cảnh giác với thiên tai bởi diễn biến thời tiết sẽ còn phức tạp, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và tập trung trong một thời gian ngắn.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm, tức vào khoảng 10-12 cơn (trung bình nhiều năm khoảng khoảng 14-15 cơn).

Song số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam dự kiến lại tăng lên, trong khoảng từ 6-7 cơn (trung bình nhiều năm là từ 5-6 cơn), tương đương với năm 2009. Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng tập trung vào nửa cuối mùa, nên sẽ ảnh hưởng nhiều và dồn dập, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Trên phạm vi cả nước, dự báo nền nhiệt độ trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 phổ biến ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 7 vẫn còn xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn năm 2009, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Tại Bắc Bộ, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra tập trung trong cuối tháng 7 và tháng 8. Nhưng tổng lượng mưa trong bốn tháng tới có khả năng vẫn ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm một ít, cần đề phòng khả năng có mưa lớn vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.

Khu vực Trung và Nam Trung Bộ dự báo lượng mưa trong tháng 7 và 8 ở mức thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm, nhưng trong tháng 9 đến tháng 12 lại ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tình hình thiếu hụt mưa và khô hạn ở Trung Bộ vẫn còn tiếp tục đến hết tháng 8, sau đó từ tháng 9 lượng mưa sẽ được cải thiện dần.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ mưa sẽ tập trung vào nửa cuối mùa, tổng lượng mưa hai tháng 7 và 8 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, cuối mùa ở mức cao hơn. Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn hơn so với bình thường, do vậy cần đề phòng khả năng có mưa lớn vào các tháng từ 9 đến 10.

Bởi vậy, các cấp các ngành, các địa phương và người dân trên cả nước cần phải chủ động ứng phó với mưa to, bão lớn ngay từ bây giờ, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Theo Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm