Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoại tử vùng mặt mũi sau khi bơm chất làm đầy. Theo các bác sĩ, bệnh nhân cho biết tìm thấy cơ sở tiêm chất làm đầy có quảng cáo trên facebook có địa chỉ tại một chung cư trên quận 3 (TP.HCM). Giá tiêm chất làm đầy nhập từ Hàn Quốc không có giấy phép nhập khẩu của ngành y tế chỉ 1,5 triệu.
Theo bác sĩ Khanh, qua tìm hiểu đây không phải là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hay da liễu được cấp phép của ngành y tế. Người thực hiện cũng chỉ là tay ngang, không phải nhân viên y tế mà làm người đi chăm sóc da.
Sau khi tiêm chất làm đầy ba ngày thì trên da bệnh nhân xuất hiện tổn thương để lại sẹo trên da. Dự kiến số tiền điều trị cho bệnh nhân có thể lên đến 20-30 triệu đồng, gấp 10 lần số tiền bệnh nhân bỏ ra làm đẹp.
Một trường hợp khác, bệnh nhân năm nay đã 35 tuổi, làm việc tại một cơ sở không được phép làm phẫu thuật thẩm mỹ nhưng nhận học viên. Theo đó, mỗi người đến học phải đóng 20 triệu đồng học phí và tự làm phẫu thuật cho nhau, bệnh nhân này đến làm học việc và được bạn học thực hiện phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền.
Khi bị biến chứng bệnh nhân này đã không biết xử trí thế nào và để càng nặng hơn. Bệnh nhân đến BV trong tình trạng áp xe vùng má, sau khi được điều trị hiện tình trạng cả hai bệnh nhân đã được cải thiện.
Thời gian gần đây, gần như tháng nào cũng đều xuất hiện một vài ca điều trị trường hợp tiêm chất làm đầy bị biến chứng. Mặc dù đã cảnh báo rất nhiều lần nhưng những cơ sở dỏm này vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn có nhiều người tin tưởng. Hiện BV đã báo Thanh tra Sở y tế kiểm tra các cơ sở y tế trên.
Qua đây, bác sĩ Khanh lưu ý bất cứ ai có ý định khi làm phẫu thuật thì phải tìm hiểu cơ sở và người thực hiện xem có đủ bằng cấp chưa để bảo vệ cho mình tránh các tai nạn không mong muốn.