Vào những ngày cuối năm, con đường Nguyễn Duy Cung ở phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM nhịp sống bỗng hối hả hơn cả. Nơi đây - làng nghề An Hội đang nhộn nhịp tiếng đục, tiếng dùi gõ lách cách của các nghệ nhân tại một số cơ sở đúc lư đồng truyền thống.
Sao có thể bỏ nghề cha ông?
Nói về sự hình thành của làng nghề đúc lư đồng nơi đây, ông Trần Minh Toàn, chủ cơ sở đúc đồng Năm Toàn, kể: Làng đúc lư đồng An Hội hình thành từ cuối thế kỷ 19, đến nay nổi danh với nhiều sản phẩm thủ công cực kỳ tinh xảo, đẹp mắt. Trước kia, làng nghề An Hội có hơn 20 cơ sở đúc lư đồng nhưng nay chỉ còn bốn cơ sở gắn bó với nghề.
“Để có một cơ sở làm nghề đúc lư đồng thì đòi hỏi hộ ấy phải là “đại gia đất” chứ không đơn giản nha. Diện tích đất làm cơ sở phải khá lớn, vài trăm có khi đến hàng ngàn mét vuông mới đủ bố trí làm nhà xưởng, chỗ gia công được. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, tấc đất là tấc vàng, đất có giá trị lớn nên nhiều người đã chuyển nghề, họ dành phần đất ấy để ở hoặc sang nhượng lấy vốn làm ăn” - ông Toàn bùi ngùi nói.
Chỉ vào xưởng đúc lư đồng của mình, ông tự hào nói tiếp: “Đất nhà tôi hơn 1.200 m2, mảnh đất như thế này vợ chồng tôi cho thuê cũng sống dư dả nhưng sao có thể bỏ cái nghề truyền thống với bao tâm huyết của cha ông để lại. 50 năm làm nghề, tuổi nghề thua tuổi đời có nhiêu đâu, từ đời cha ông cộng lại đã quá một thế kỷ rồi. Mùi đất sét, ngọn lửa hồng, tiếng đục… thấm sâu vào từng hơi thở. Bỏ sao đành!”.
|
|
Làm nghề cực nhưng vui
Gần đó, ông Tư, một nghệ nhân cũng quá 50 năm làm nghề đúc đồng, tự hào chia sẻ: Nghề đúc lư đồng này vất vả lắm mà không phải ai muốn làm cũng làm được. Để cho ra sản phẩm đẹp, tinh tế thì tất cả công đoạn phải được làm thủ công. Thế nên đòi hỏi người thợ không chỉ cần có tay nghề cao mà còn phải kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ. Mỗi người thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn riêng.
Vừa làm, ông Tư vừa kể: Muốn làm ra bộ lư đồng thì công đoạn đầu tiên phải làm là khuôn ruột bằng đất sét, không lẫn cát. Loại đất này phải lấy từ Đồng Nai, Bình Dương sau đó đem về cán mịn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu giã nhuyễn.
Công đoạn tiếp theo là đúc khuôn bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy. Với công đoạn này càng đòi hỏi người làm phải có tay nghề giỏi, bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng thế ấy. Tiếp đó là công đoạn bao bọc hai lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài khuôn sáp, loại đất này phải được ray thật mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt.
Sau khi phơi khô khuôn, người thợ đổ đồng đã nóng chảy vào. Khâu này cũng đòi hỏi người thợ lành nghề, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Công đoạn cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.
Nói thì đơn giản vậy, chứ khi làm là cả một quá trình. Người thợ ngoài việc có tay nghề thì cũng cần có sức khỏe và chịu được áp lực về thời gian vì có những công đoạn phải làm cả ban đêm. Để chế tác ra lư đồng đẹp, sắc sảo thì ngoài việc áp dụng các phương pháp chung còn có cả bí quyết riêng.
“Tôi làm nghề này đã 50 năm và những gì từng trải qua thì không phải người nào cũng làm được. Chỉ những người thật sự yêu nghề, biết học hỏi và muốn gắn bó thì mới trụ vững với nghề. Nghề này không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là cách để nối nghiệp, tưởng nhớ đến các thế hệ đi trước. Tôi mong rằng nghề đúc lư đồng vẫn mãi duy trì để những thế hệ sau nhớ đến cha ông ta có một nghề truyền thống đặc sắc giữa đất Sài Gòn này” - ông Tư bùi ngùi nói.
Trăm năm tìm lại dấu xưa
Giữa năm 2022, Sở Du lịch TP.HCM cùng Công ty Du lịch TST tourist phối hợp tổ chức chương trình “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”. Ban tổ chức đã khảo sát, đánh giá, lựa chọn một số điểm đến đặc trưng trên địa bàn quận Gò Vấp để tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm. Trong đó, làng nghề truyền thống đúc lư đồng An Hội là một trong những địa chỉ được chọn làm điểm tham quan, du lịch.
Theo bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: “Làng nghề đúc lư đồng An Hội ở đây có truyền thống và danh tiếng trên 100 năm. Cũng như các làng nghề khác, làng nghề An Hội cần được giữ gìn để góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn xưa”.