Ngày 24-9, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện (BV) khám chữa bệnh (KCB) từ xa (Telehealth).
Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế năm 2020, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh nhân 91 là kết quả của Telehealth
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau hai tháng triển khai đồng loạt đề án KCB từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu KCB được kết nối với hơn 20 BV tuyến trung ương và các BV tuyến cuối của Hà Nội, TP.HCM.
Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời mà không phải lên tuyến trên.
Đơn cử, BV Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ mỗi tuần hai buổi Telehealth vào thứ Ba và thứ Năm. Mỗi buổi trung bình 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau năm tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn, 162 BV đề xuất tham gia kết nối.
Thời gian này, nhiều ca bệnh đã được cứu sống ngoạn mục. Ngày 1-9, mẹ con sản phụ TTT (30 tuổi, huyện Ba Đồn, Quảng Bình) được cứu kịp thời nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba và BV Trung ương Huế. Chị T. nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Chị đã được BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với BV Trung ương Huế, nhờ đó hai mẹ con được cứu sống kịp thời.
Theo PGS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương (Hà Nội), nhờ ứng dụng Telehealth mà trong mùa dịch COVID-19 BV đã hội chẩn ba ca với BV Trẻ em ở Lào. BV đã hướng dẫn cho hai ca điều trị tại chỗ, ca còn lại dù đang dịch nhưng do mức độ nghiêm trọng nên BV đã xin Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế chuyển bệnh nhân sang Việt Nam để điều trị.
“Ca điển hình là của bệnh nhân COVID-19 số 91. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các bác sĩ đã hội chẩn quốc gia nhiều lần thông qua Telehealth, nỗ lực đưa ra các biện pháp chữa trị. Kết quả là bệnh nhân 91 đã được cứu sống một cách ngoạn mục” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, nêu ví dụ.
Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, các bác sĩ đã hội chẩn quốc gia nhiều lần thông qua Telehealth, chữa trị thành công cho bệnh nhân 91. Ảnh: BYT
Vướng mắc trong chi trả BHYT
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng sau hai tháng triển khai, Telehealth cũng bộc lộ nhiều khó khăn cần phải khắc phục.
Là một trong những BV thực hiện rất nhiều buổi hội chẩn từ xa, với kinh nghiệm thực tế, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, chia sẻ khó khăn lớn nhất của Telehealth là hành lang pháp lý chi trả tiền bảo hiểm, chi trả tiền cho bác sĩ khám tuyến trên, tuyến dưới. Nguyên nhân của khó khăn trên là do chưa sửa đổi được Luật KCB, dẫn tới ngay cả việc ký đơn thuốc cho KCB từ xa cũng đang gặp vướng mắc.
Hôm nay (25-9), Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu KCB từ xa trên cả nước, ghi dấu ấn triển khai đồng bộ đề án trên toàn hệ thống ngành y tế Việt Nam. |
“Tôi lấy ví dụ như bệnh nhân của Lào, còn bác sĩ khám là của BV 199 tại Đà Nẵng đang khám trực tuyến với BS của BV Đại học Y Hà Nội, vậy đơn thuốc khám ai sẽ là người ký? Nếu như BV 199 ký thì BV 199 sẽ chịu trách nhiệm khi có chuyện xảy ra. Như vậy, vai trò của các bác sĩ BV hạt nhân đảm nhiệm sẽ giảm đi, không chịu trách nhiệm cùng người bệnh. Điều này cho thấy cần phải thay đổi Luật KCB, chi phí điện tử trong KCB từ xa” - ông Hiếu nêu vấn đề.
Vấn đề tiếp theo PGS Hiếu đề cập tới là làm sao để Telehealth duy trì được lâu dài. Trên thực tế, BV Đại học Y Hà Nội áp dụng Telehealth đã bốn tháng nhưng chưa có nguồn thu nào, bảo hiểm y tế có muốn chi trả cũng chưa có hướng để chi.
“Cạnh đó, sự quyết tâm của các BV trong mỗi buổi hội chẩn rất quan trọng. Nếu buổi hội chẩn chỉ có BV hạt nhân hào hứng, còn các BV tuyến dưới không thích thú thì sẽ rất mất thời gian, công sức… Đó là những tồn tại mà Telehealth cần sớm khắc phục để đi lâu dài, đi sâu” - ông Hiếu nói.
Bảo mật thông tin bệnh nhân qua hội chẩn từ xa Theo hướng dẫn về bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn KCB từ xa, bệnh nhân được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án. Những thông tin này chỉ được công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị. Khi sử dụng hình ảnh của bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp che, làm mờ. Không live stream các buổi hội chẩn, tư vấn KCB từ xa qua mạng xã hội hoặc các hình thức khác có thể làm lộ thông tin, hình ảnh, tình hình sức khỏe của người bệnh và những người tham gia hội chẩn, tư vấn KCB từ xa. |