1001 kiểu 'khóc cười' khi xác thực sinh trắc học để chuyển tiền

(PLO)- Những ngày qua, không ít người, từ nhân viên ngân hàng cho đến khách hàng phải trải qua 1001 kiểu "khóc cười" khi xác thực sinh trắc học. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-7, đã là ngày thứ hai Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước đi vào cuộc sống. Hành trình xác thực sinh trắc học vẫn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng.

Đành chịu thua

Chia sẻ với PLO, chị Tú, quận Tân Bình, TP.HCM kể: Mắt tôi bị cận đến 6 độ, nên kính cận là vật bất ly thân. Muốn đọc thông tin trên app ngân hàng mà không có kính thì thua luôn.

Trước giờ, xác thực các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, tôi chỉ sử dụng vân tay nên không gặp khó khăn gì. Nhưng rắc rối bắt đầu phát sinh khi bắt buộc phải xác thực sinh trắc học với những giao dịch trên 10 triệu đồng.

“Với mỗi app ngân hàng sẽ có những bước hướng dẫn khác nhau về quy trình quét khuôn mặt. Chẳng hạn với app Agribank, tôi chỉ cần đưa khuôn mặt vào khung hình rồi giữ cố định trong vài giây, hệ thống sẽ quét khuôn mặt là xong. Nhưng với app VPB NEO thì thực sự khó khăn cho người bị cận nặng như tôi.

Sau khi điền thông tin chuyển khoản, với số tiền trên 10 triệu đồng, app VPB NEO sẽ đưa ra chỉ thị “hãy đưa khuôn mặt vào khớp khung hình”. Do tôi đeo kính app không nhận diện được, nên tôi đành phải tháo kính cận ra nhưng nếu không có kính thì khác gì “mù dở”!

Vậy là muốn đọc bước hướng dẫn tiếp theo, tôi phải dí sát điện thoại vào gần mắt, lúc này app ngân hàng hiện lên dòng chữ “không nhìn rõ khuôn mặt, hãy đưa khuôn mặt ra xa một chút”. Mà đưa ra xa thì tôi lại không đọc được chữ trên app. Cứ vậy, chị và app ngân hàng diễn ra trận “so găng” trong khoảng vài phút, cuối cùng chị là bên thua cuộc.

"Bất lực, tôi đành nhờ sự trợ giúp từ người lạ, nhờ họ đọc giúp các bước hướng dẫn trên app ngân hàng như “hãy mở mắt to hơn”, “hãy biểu cảm thật bình thường”. Cuối cùng app ngân hàng cũng hiện lên dòng chữ vui lòng giữ trong giây lát và lúc này chỉ cần xác thực smartOTP là giao dịch thanh toán được hoàn tất", chị Tú kể.

Ở một tình huống khác khi xác thực sinh trắc học, chị Linh - khách hàng xài app của ngân hàng Vietcombank cho biết: "Sau khi điền thông tin số tài khoản, số tiền, hệ thống yêu cầu xác thực sinh trắc học với các câu lệnh đơn giản như “di chuyển lại gần”, “giữ thiết bị ổn định”, “hoàn thành”. Nhưng vài giây sau, hệ thống lại hiện lên thông báo “dịch vụ không thực hiện được trong lúc này”.

Để app và bản thân “thư giãn” vài phút, tôi quay trở lại thao tác từ đầu thì việc xác thực sinh trắc học và chuyển khoản lại thông suốt”, chị Linh cho biết thêm.

Nhân viên cũng gặp khó

Không chỉ người dùng mới cần kiên trì, nhẫn nại khi xác thực sinh trắc học. Ngay cả các nhân viên chịu trách nhiệm chạy chỉ tiêu mở tài khoản ngân hàng cũng gặp khó khăn không kém.

Nói về nỗi khổ của mình, anh Lĩnh chia sẻ: Tôi và một nhóm bạn chuyên chạy chỉ tiêu mở tài khoản ngân hàng cho tất cả các anh chị nhân viên ngân hàng. Trước đây, chỉ cần khách hàng đồng ý mở tài khoản, các bước tải app ngân hàng, khai báo thông tin… chỉ mất 2-4 phút. Nhưng từ khi có quy định phải xác thực sinh trắc học, thời gian mở một tài khoản ngân hàng có khi mất tới nửa tiếng. Thậm chí có điện thoại phải quét NFC cả ngày mới thành công.

"Có app làm xong hết tất cả các bước, chỉ chờ hiện lên dòng thông tin xác thực thành công thì hệ thống báo lỗi, mà chả biết lỗi gì. Và quy trình xác thực sinh trắc học lại quay trở về bước ban đầu...Với những khách hàng có điện thoại cũ, không quét NFC được thì bó tay toàn tập, mà toàn khách ở khu vực nông thôn thì lấy đâu ra điện thoại xịn để quét NFC. Muốn giúp "thượng đế" lắm nhưng chúng tôi đành mời họ ra quầy cập nhật sinh trắc học”, anh Lĩnh than vãn.

Đồng cảnh ngộ, anh Tuấn, nhân viên ngân hàng hài hước nói: “Dò được vị trí NFC hay không còn phụ thuộc vào “cơ duyên”! Có khách hiểu chuyện thì không nói làm gì, nhưng khách thông cảm thì họ bực bội, càm ràm và cho rằng sao ngân hàng rườm rà, vẽ vời, gây khó dễ...

Nhiều khi, xác thực sinh trắc học thành công cho hàng loạt khách hàng xong là “sập nguồn”, mà còn phải trả lời tin nhắn đồng nghiệp hỏi nghiệp vụ. Những lúc như thế, tôi cứ phải lầm rầm “câu thần chú bảo mật, bảo mật an toàn tài khoản” để vượt qua mệt mỏi".

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB: Từ đầu tháng 6, ngân hàng này đã triển khai xác thực khuôn mặt thành công cho 500.000 khách hàng qua ứng dụng ngân hàng số ACB ONE, nhằm giúp tăng cường bảo mật tài khoản và bảo vệ các giao dịch trực tuyến giá trị lớn.

Khách hàng đang thực hiện xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng
Khách hàng đang thực hiện xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Ảnh: Minh Hoàng

Cảnh báo hình thức lừa đảo mới

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng ACB chia sẻ: Ngay khi triển khai đăng ký xác sinh trắc học cho khách hàng, chúng tôi đã cân nhắc rằng hệ thống này có thể sẽ không mượt mà. Nhưng thực tế sau khi triển khai, khách hàng chỉ mất chưa đến 30 giây là đã xác thực được. Đây là giải pháp rất triệt để, giúp giải quyết được các rủi ro về bảo mật và an toàn tài khoản.

“Với việc xác thực khuôn mặt, chỉ có “chính chủ” của tài khoản mới chuyển được tiền. Trong trường hợp chủ tài khoản bị lộ thông tin, tội phạm có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của họ. Nhưng với việc khi giao dịch phải xác thực bằng khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên thẻ căn cước thì tội phạm khó có thể giả mạo để lấy được tiền”, ông Phát nhấn mạnh.

Mới đây, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết: Trong giai đoạn đầu triển khai xác thực sinh trắc học, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Theo lãnh đạo Vietcombank, một số cách thức lừa đảo phổ biến đang được các đối tượng thực hiện như liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Hoặc kẻ gian lập nick gây nhầm lẫn như “nhân viên ngân hàng”, “hỗ trợ khách hàng... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng. Theo đó, đề nghị khách hàng liên hệ riêng nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.

Có kẻ gian còn yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng…. Qua đó đề nghị hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Bên cạnh đó là đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Để tránh sập bẫy kẻ gian, Vietcombank khuyến cáo tới khách hàng rằng Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…).

Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

"Đồng thời, khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội. Tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng", lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

Đại diện một ngân hàng thương mại cũng cảnh báo về khả năng lừa đảo trong giai đoạn nhiều người dân cần cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Theo vị đại diện này, khách hàng chỉ nên thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.

Đã có trường hợp người tiêu dùng gặp khó trong cập nhật sinh trắc học, khi bình luận hỏi về cách thức cập nhật trên mạng xã hội, lập tức có người nhắn tin riêng hỗ trợ cho chị, tuy nhiên sau đó lại liên tục kêu gọi bấm vào các đường link lạ để cập nhật thông tin, cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo nên đã chặn mọi kết nối với người này.

Hoặc người tiêu dùng cũng nên tránh nghe các cuộc điện thoại tự xưng nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng cập nhật sinh trắc học, việc cập nhật sinh trắc học tuyệt đối chỉ nên thực hiện trên ứng dụng ngân hàng hoặc tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, vị đại diện ngân hàng này nhấn mạnh.

Khuyến cáo liên quan xác thực sinh trắc học để chuyển tiền

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Quyết định 2345) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024), các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch; Cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.

Người dân không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web… cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/ mật khẩu, khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời; Trường hợp mất thẻ, khách hàng cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ; Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.

NHNN khuyên người dân gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng; Chỉ cài đặt các ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store; Khi cài đặt ứng dụng vào thiết bị cần kiểm tra thông tin nhà phát triển ứng dụng, xem xét kỹ quyền hạn của các ứng dụng; Thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để thiết bị nhận được các bản vá bảo mật mới nhất của hãng sản xuất,...

Đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chíp (có CCCD hoặc CMND còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hoặc khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký lần duy nhất thông tin sinh trắc học tại quầy với ngân hàng. Sau đó, khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking, không phải ra quầy...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm