11 người nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm tại Sa Pa

(PLO)- 11 người nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm do vi sinh sau khi ăn cỗ tại một đám tang được tổ chức theo phong tục người dân tộc H'Mông ở Sa Pa (Lào Cai)
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-8, Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Lào Cai thông tin, sau khi dự một đám tang ở thị xã Sa Pa, 11 người có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải nhập viện điều trị.

Theo đó, gia đình ông Má A T. tổ chức đám tang cho con trai, có nhiều người dân địa phương, anh em, họ hàng ở các xã khác đến dự và ăn cơm từ 11 giờ trưa ngày 4-8 đến tối ngày 5-8 với các món thịt lợn luộc nấu canh, tiết canh, canh rau bắp cải, rượu trắng, cơm trắng.

Khu vực nấu ăn và để thực phẩm tại đám ma. Ảnh: Sở Y tế Lào Cai

Khu vực nấu ăn và để thực phẩm tại đám ma. Ảnh: Sở Y tế Lào Cai

Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 5-8, có 11 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Hiện sức khỏe các bệnh nhân dần ổn định.

Qua tìm hiểu một số người dân địa phương cho thấy, người dân tộc H’Mông có phong tục khi có đám ma, người cùng làng, anh em mang thực phẩm như: Lúa, gạo, thịt, rượu… đến để góp cho chủ nhà làm cỗ, chủ nhà thường mổ lợn, mổ trâu để cúng và tiếp khách.

Việc ăn uống đông người trong nhiều ngày, điều kiện về chế biến thực phẩm không đảm bảo, nguyên liệu lại được góp từ nhiều người khác nhau, không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, chứa đựng thực phẩm, lại chế biến món tiết canh là nguy cơ cao gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

11 người nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm tại Sa Pa ảnh 2

Khu vực ăn uống tập thể. Ảnh: Sở Y tế Lào Cai

Theo các chuyên gia y tế, với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Vào mùa hè khi nhiệt độ từ 37 độ C đến 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp 3 lần so với thời tiết bình thường.

Thêm vào đó, thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm ATVSTP cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Ngành y tế tỉnh Lào Cai khuyến cáo các cơ quan chức năng cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân thay đổi những thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, qua đó phòng ngừa nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm ở những nơi tụ tập đông người như trường hợp vừa xảy ra trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm