Trao đổi với PV chiều 5/1, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải cho biết, 12 thuyền viên do 3 doanh nghiệp đưa đi là Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco), Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) và Công ty TNHH một thành viên Vạn Xuân. Tất cả đều quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tàu đánh cá FV Shiuh Fu của Đài Loan. Ảnh: CNN.
Ông Hải cho biết, Cục đã chỉ đạo 3 doanh nghiệp liên lạc với chủ tàu, công ty quản lý tàu để nắm bắt thông tin về tình trạng thuyền viên Việt Nam, đồng thời liên lạc với gia đình thuyền viên để động viên. Ngoài ra, Cục cũng đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bằng con đường ngoại giao để tiếp cận thông tin, bảo vệ thuyền viên Việt Nam.
"Đây là tai nạn bất ngờ. Mục tiêu của hải tặc là cần tiền. Chúng sẽ cần thời gian để định giá tàu, từ đó đưa ra mức tiền chuộc", ông Hải nói.
Theo CNN, lực lượng hải quân chống cướp biển Navfor thuộc Liên minh châu Âu ngày 30/12 cho biết, cướp biển Somalia đã bắt giữ một tàu đánh cá Đài Loan cùng 26 thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc tại ngoài khơi Madagascar thuộc Ấn Độ Dương. Hiện, Navfor không thể liên lạc với tàu cá này.
Đây không phải là lần đầu tiên thuyền viên Việt Nam bị cướp biển bắt cóc. Trước đó, đầu tháng 5 vừa qua, 3 thuyền viên Việt Nam đang làm việc cho tàu cá Tai Yuan - 227 (Đài Loan) ở Ấn Độ Dương thì bị hải tặc Somalia bắt cóc.
Danh sách thuyền viên Việt Nam bị bắt giữ: 4 thuyền viên của Inmasco, trong đó Trần Văn Toàn, 19 tuổi; Lưu Đình Sơn, 19 tuổi; Trần Văn Hùng, 23 tuổi đều quê ở Nghệ An, và Nguyễn Văn Tâm 20 tuổi, quê Hà Tĩnh. 7 thuyền viên của Servico Hà Nội: Nguyễn Văn Hải, 18 tuổi; Trần Huy Bình, 23 tuổi; Hồ Xuân Hương, 21 tuổi; Lưu Đình Hùng, 20 tuổi; Trần Minh Trí, 19 tuổi; Nguyễn Thanh Tú, 24 tuổi và Vũ Văn Ba, 19 tuổi. Một thuyền viên của Công ty TNHH một thành viên Vạn Xuân là Bùi Văn Hóa, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh. |
Theo Hồng Khánh (VNE)