134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tủ sách Di sản lưu giữ nhiều bài học vô giá

(PLO)- NXB Trẻ tổ chức buổi giao lưu cùng người sáng lập, các tác giả tiêu biểu nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh. Buổi giao lưu nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-5, NXB Trẻ tổ chức buổi giao lưu cùng người sáng lập, các tác giả tiêu biểu nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh tại đường sách TP.HCM.

Đây cũng là hoạt động hướng đến kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2024).

Buổi giao lưu nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Buổi giao lưu nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự tham gia của bà Quách Thu Nguyệt nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ, người sáng lập tủ sách và PGS.TS Hà Minh Hồng, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, nhà báo Dương Thành Truyền, các tác giả có tác phẩm trong tủ sách.

Theo TS. Quách Thu Nguyệt, tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của NXB Trẻ ra đời năm 1999 nhằm hưởng ứng cuộc vận động "30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” và được triển khai bằng việc tìm kiếm những tác phẩm do Bác Hồ viết, bên cạnh đó là đặt hàng các tác giả viết về những tình cảm, ký ức, kỉ niệm về Bác. Tính đến dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tủ sách đã xuất bản được hơn 60 tựa sách.

tu-sach-di-san-ho-chi-minh.JPG

Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đi một quãng đường dài suốt 25 năm qua bởi ba nguyên nhân chính:

quach-thu-nguyet.JPG
TS Quách Thu Nguyệt

"Chúng tôi khai thác nguồn tài sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô giá, mạch nguồn cảm xúc từ những tác phẩm được viết bằng những tình cảm của mọi người dành cho Bác là một mạch chảy không bao giờ dừng.

Bên cạnh đó, chúng tôi xác định được đối tượng đọc là người trẻ và những cuốn sách của Bác rất đơn giản, ngắn gọn, dễ đọc và làm cách nào tiếp cận đến người đọc.

Ngoài ra các cuốn sách còn có tính hệ thống, không rời rạc và chọn thời điểm để quảng bá cho bộ sách gắn liền với các thời điểm đặc biệt như kỷ niệm 30 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước,…" – TS Quách Thu Nguyệt cho hay.

Nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả cuốn sách Di chúc của Bác Hồ Một giáo trình tiếng Việt độc đáo, nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta câu chuyện rất lớn về chính sách ngôn ngữ, tấm gương lao động ngôn từ ….

ho-chi-minh4.jpg
Nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ tại chương trình

"Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiếng Việt có công lao hết sức to lớn vì ngôn ngữ chính là văn hoá, văn hoá chính là sự phát triển lâu bền của một dân tộc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 1.000 từ nhưng Người viết rồi sửa, bổ sung nhiều lần. Điều này để lại cho chúng ta một tấm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ. Hiện nay, nhiều khi chúng ta nói và viết rất tùy tiện, không ít người viết nhanh viết ẩu, không cẩn trọng, thậm chí là dùng sai và vui vẻ với sự dùng sai đó.

Bài học lao động ngôn từ là bài học mà chúng ta phải thường xuyên học và làm theo Bác" – nhà báo Dương Thành Truyền cho hay.

Là tác giả của các tác phẩm như Bác Hồ với mặt trận Việt Minh, Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng, Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam… PGS. TS Hà Minh Hồng cho biết nghiên cứu về Bác từ lâu và có nhiều người chưa bao giờ được gặp Bác nhưng nhờ những buổi trò chuyện sinh hoạt, tủ sách Bác Hồ làm cho mọi người đều biết đến Bác, biết đến câu chuyện của Bác.

Từ đó con người, cuộc đời của Bác trở nên rất gần gũi, giống như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".

ho-chi-minh3.JPG
PGS.TS Hà Minh Hồng cũng cho rằng sẽ còn nhiều cuốn sách nữa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời nhờ sự tiếp nối của thế hệ sau này.

"Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh là cơ sở dữ liệu để chúng ta có thể tiếp cận được với kho tàng phong phú, nhiều lĩnh vực về di sản Hồ Chí Minh. Tủ sách này gần gũi với tất cả mọi người, mọi giới, mọi lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực chính trị" - PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, tác giả cuốn sách “Học Bác lòng ta trong sáng hơn” nằm trong tủ sách di sản của Bác cho biết điều đầu tiên thực hiện tác phẩm chính là giúp cho cán bộ cơ sở kể chuyện dưới cờ, sau này là hướng đến những đối tượng khác như học sinh sinh viên…

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải cũng cho biết để viết sách về Bác rất khó vì đã có nhiều người, nhiều cuốn sách đã viết trước đó. Do đó mà ông cũng cần phải chọn lọc, tìm hiểu những vấn đề có thể thông tin đến bạn đọc, tìm ra được những góc riêng, những câu chuyện vừa phải, dễ đọc, dễ thấm hướng đến đối tượng trẻ bây giờ.

ho-chi-minh5.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

"Chúng ta có rất nhiều điều để học về Bác Hồ, trong đó có những câu chuyện rất là lớn lao ví dụ như vấn đề lý tưởng hay những vấn đề rất gần gũi, đời thường như như đạo đức người ăn cơm, đạo đức tiết kiệm,…Có thể thấy, đó là những điều này có giá trị xuyên suốt đối với tất cả mọi người " - Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải bày tỏ.

Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Bác Hồ và kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, NXB Trẻ cũng tổ chức triển lãm hình ảnh Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh tại Đường sách TP.HCM từ ngày 12 đến 19-5 để người dân, du khách có thể hiểu hơn về Bác Hồ vĩ đại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm