11. Việc tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng
Thực tế, xảy ra nhiều trường hợp trên đất có nhiều loại tài sản mà có tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất được thế chấp, có tài sản thuộc sở hữu của người khác.
Khi giải quyết, một số Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ (hoặc vô hiệu một phần) hợp đồng thế chấp (HĐTC), trong khi HĐTC có nội dung và hình thức phù hợp với quy định pháp luật là không đúng.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp HĐTC được ký kết tự nguyện, được công chứng, chứng thực, tài sản đã được TCTD xem xét, thẩm định và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định, thì không vì những lý do như có tài sản phát sinh trên đất tranh chấp, giao dịch về tài sản trước đó bị vô hiệu để xác định vô hiệu, mà phải công nhận hiệu lực của HĐTC.
12. Xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu không đúng
Có trường hợp tổ chức, cá nhân dùng tài sản của chính mình để bảo đảm nghĩa vụ vay của người khác. Tuy nhiên, một số cơ quan tố tụng lại cho rằng HĐTC đối với tài sản của bên thứ ba vô hiệu do nhận thức rằng thực chất đây là hợp đồng bảo lãnh, do đó các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh chứ không phải HĐTC của bên thứ ba.
Nhận thức khác còn cho rằng, việc bảo lãnh không chỉ định tài sản cụ thể làm tài sản bảo đảm, nếu có việc chỉ định này thì giao dịch trở thành giao dịch cầm cố hoặc thế chấp. Nhận thức này là không đúng với các quy định của BLDS.
Khi kiểm sát trường hợp này cần lưu ý, một số TCTD đặt tên là “hợp đồng thế chấp” hoặc “hợp đồng thế chấp và bảo lãnh”, “hợp đồng thế chấp của người thứ ba”... đều mang tính hình thức.
Vấn đề quan trọng là nội dung thỏa thuận và khi có tranh chấp xảy ra, căn cứ khoản 1 Điều 335 BLDS năm 2015 và khoản 3 Điều 336 BLDS năm 2015 để xem xét những thỏa thuận xử lý tài sản của bên thứ ba. Nếu thỏa thuận phù hợp với quy định nêu trên vẫn có hiệu lực, không bị vô hiệu.
13. Vi phạm do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay
Một số trường hợp khi bên có tài sản thế chấp giới hạn việc thế chấp để đảm bảo khoản vay trong phạm vi hạn mức số tiền vay nhất định.
Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, Tòa án không xem xét kỹ trường hợp này, mà áp dụng theo các HĐTC thông thường không bị giới hạn phạm vi thế chấp tài sản là không đúng quy định.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Phải xem xét kỹ phạm vi bảo đảm đối với khoản tiền vay trong HĐTC cụ thể và trình bày của đương sự về phạm vi bảo đảm.
14. Hủy toàn bộ bản án, quyết định không đúng
Trường hợp khi giải quyết tranh chấp HĐTD gồm 2 phần, phần nợ vay và phần tài sản bảo đảm, Tòa án cấp dưới đã giải quyết đúng phần nợ vay, còn phần tài sản bảo đảm giải quyết chưa đúng.
Nhưng khi Tòa án cấp trên giải quyết lại tuyên hủy toàn bộ bản án, quyết định là không đúng, dẫn đến vụ án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm để giải quyết lại.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Đa số tranh chấp HĐTD, thường Tòa án giải quyết hai phần, phần tranh chấp khoản tiền vay (gồm gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phí) và phần xử lý tài sản bảo đảm.
Đây là hai phần độc lập không ảnh hưởng đến việc giải quyết, nên nếu chỉ giải quyết sai phần xử lý tài sản bảo đảm thì chỉ tuyên hủy một phần bản án, quyết định, không hủy toàn bộ bản án, quyết định.
15. Vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng vẫn giải quyết theo tố tụng dân sự
Trong không ít vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” có dấu hiệu hình sự theo quy định của BLHS năm 2015.
Chẳng hạn, hành vi của ông A đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông B, nhưng sau đó lại sử dụng tài sản này thế chấp vay ngân hàng; hoặc trường hợp giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp tín dụng cho những trường hợp vượt quá thẩm quyền gây thiệt hại nghiêm trọng.
Những trường hợp này, có Tòa án vẫn giữ lại để xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự là “dân sự hóa hình sự”, dẫn đến bản án, quyết định bị hủy sửa,
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong vụ án về tín dụng có dấu hiệu hình sự thì cần phải kiên quyết yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo đúng quy định.