Một thành viên của Bộ VH-TT&DL hỏi tôi bóng đá Việt Nam đã phải là chuyên nghiệp chưa? Khi nghe tôi nói “Chưa” vị này hỏi lại: “Thế sao 16 năm nay người ta vẫn cứ gọi là bóng đá chuyên nghiệp?”.
Các CLB sống bằng gì?
Hỏi ông chủ của 14 đội chuyên nghiệp câu hỏi trên thì chắc chắn sẽ có nhiều kiểu trả lời khác nhau. Một phần sống bằng tiền ngân sách của địa phương góp vào như một dạng “hụi chết” cho các CLB; một phần thì ông chủ bao toàn bộ cho CLB địa phương nhưng đổi lại thì địa phương phải tạo những “chính sách” mở cho ông chủ đó làm ăn như giao đất vàng hay ưu tiên cho khai thác quặng, mỏ...; có CLB thì tỉnh giao hẳn đội bóng cho công ty của tỉnh chịu trách nhiệm nuôi nấng và đầu tư cùng những chính sách ưu đãi mà công ty nhà nước đấy được tỉnh ưu ái (như được phép khai thác tất cả hoạt động dịch vụ tại quốc lộ chính nằm trên địa bàn tỉnh cùng việc kinh doanh bất động sản...). Chỉ có số ít CLB như Long An hay Đồng Tháp là sống bằng một ít ngân sách nhà nước cộng với đồng tiền của các doanh nghiệp tỉnh cùng nhau góp cổ phần để nuôi đội bóng.
Hỏi các CLB hay đúng hơn là các công ty cổ phần bóng đá đấy làm gì để có kinh phí nuôi đội bóng thì tất cả đều khẳng định chưa thể kiếm tiền từ bóng đá để nuôi CLB theo đúng nghĩa bóng đá chuyên nghiệp. Điều đấy có nghĩa tiền tỉ mua cầu thủ, tiền tỉ trả lương cầu thủ và tiền tỉ cho các hoạt động bóng đá đều lấy từ những nguồn không phải từ bóng đá.
Những cỗ máy tiêu tiền cũng chính là hợp thức hóa việc xài tiền.
Nếu thực sự là bóng đá chuyên nghiệp sẽ không bao giờ có những banderole như thế này. Ảnh: QUANG THẮNG
Chưa chuyên nghiệp nhưng vẫn phải gọi là chuyên nghiệp
Tại “Hội thảo các ông bầu làm bóng đá” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức năm 2012, các ông bầu tâm huyết với bóng đá nhất đã chỉ ra những bất hợp lý. Đó là tổ chức giải chuyên nghiệp nhưng bản quyền truyền hình thì bán cứ như cho. Là các CLB gồng lên làm bóng đá nhưng lại không được bảo vệ quyền lợi, không có được những hành lang pháp lý để hoạt động hiệu quả. Là nhiều khoản thu mà bóng đá phải thu được lại trở nên những mặt hàng miễn phí...
Mùa chuyên nghiệp thứ 16 mới chỉ có duy nhất một CLB bán được áo đấu là Đồng Tháp. Con số không đáng là bao nhưng là cả một nỗ lực lớn. Tiếc là CLB đầu tiên và cũng là duy nhất bán được áo đấu lại là CLB sớm xuống hạng.
Riêng với bán vé thì có CLB thỉnh thoảng còn cho vào tự do. Duy nhất mới có HA Gia Lai là có vé năm cho những khán giả trung thành. Còn lại thì có CLB còn dùng chiêu khuyến mãi khán giả đến sân mặc áo CLB thì được “trả tiền công”. Những điều trên rõ ràng đi ngược với bóng đá chuyên nghiệp.
Phần lợi lớn nhất từ các CLB là tiền bản quyền truyền hình thì đến nay gần như chẳng có là bao. Cứ nhìn vào các shot quảng cáo ở V-League sẽ thấy quanh đi quẩn lại vẫn là của các ông bầu lỡ mạnh miệng trong việc đòi bản quyền từ AVG hoặc nghĩa vụ với nhà tài trợ chính.
Rõ nhất trong việc thể hiện tính chuyên nghiệp là sân riêng thì đến nay mới chỉ HA Gia Lai là có sân riêng. Còn lại các CLB đều thuê sân của địa phương. Và tất nhiên việc thuê sân thì sẽ khó có những đầu tư đúng với chất chuyên nghiệp. Điều mà ở Thái Lan các đội chuyên nghiệp đều có sân riêng và đều phải tuân thủ điều kiện bắt buộc là mặt cỏ trồng đúng chủng loại dạng cỏ chỉ như sân cỏ chuyên nghiệp ở Anh.
Ngoài ra, hệ thống cổ động viên và phần thu từ cổ động viên theo đúng nghĩa chuyên nghiệp cũng chưa CLB nào làm được và 16 năm qua cũng chẳng CLB nào được hướng dẫn để đi vào quy củ đúng chất chuyên nghiệp.
Vì thế nên đã 16 năm chuyên nghiệp, đến nay nền bóng đá Việt Nam vẫn hoạt động nghĩa theo kiểu nghiệp dư lĩnh lương cao.