Chỉ duy nhất Thái Lan sau khi học và ứng dụng từ mô hình Premier League là tăng lên 18 đội chuyên nghiệp nhưng yêu cầu rất gắt gao, phải đáp ứng các phần chuyên nghiệp từ sân bãi, cổ động viên đến mô hình hoạt động... Riêng Indonesia có địa lý rộng và nhiều CLB nên có hai bảng đấu Đông và Tây, mỗi bảng có 16 đội…
Riêng V-League tại Việt Nam có 14 đội được phát triển theo số lượng hơn là chất lượng. Bởi thực chất thì các đội chuyên nghiệp Việt Nam chưa đội nào hoạt động đúng nghĩa một CLB chuyên nghiệp cả. Phần lớn còn xài tiền nhà nước và kết hợp với các ông bầu vốn là doanh nghiệp làm ăn trên địa phương và được hưởng những quyền lợi tại địa phương rồi đáp trả bằng nghĩa vụ lo cho đội bóng. Nhiều đội bóng mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng phải chạy tiền mỗi mùa và phần lớn là dựa vào Nhà nước. Ngay cả với CLB được xem là mạnh như B. Bình Dương cũng sống bằng tiền của doanh nghiệp nhà nước được tỉnh ưu ái rồi giao săn sóc đội bóng.
Nhìn sang K-League (Hàn Quốc) hay J-League (Nhật Bản) mà bóng đá Việt Nam đang học hỏi thì mỗi CLB giống như một công ty của một tập đoàn và hoạt động độc lập chứ không chịu “bao cấp” từ công ty mẹ. K-League cũng chỉ có 12 đội và khởi điểm giải này là chỉ sáu đội chuyên nghiệp rồi phát triển dần khi thấy chất lượng và khả năng đáp ứng.
Hoàn toàn khác hẳn với Việt Nam cứ đẩy cho lên chuyên nghiệp trong khi ở hạng Nhất thì tóp lại và hạng Nhì phình ra giống ba vòng của cô gái. Nó hoàn toàn khác với các quốc gia là hình chóp với đáy là nền tảng của bóng đá trẻ, bóng đá ở các địa phương...
Việc số lượng đang lấn át chất lượng của bóng đá Việt Nam khiến V-League khó đi đúng nghĩa với chất lượng thực thụ của một nền bóng đá chuyên nghiệp.