Theo hãng tin AP, thông tin trên do Cơ quan Xử lý Thảm họa Indonesia đưa ra vào trưa 23-12. Hơn 700 người bị thương nhưng con số thương vong có thể tăng do giới chức Indonesia vẫn đang tập hợp thông tin.
Cơ quan này nói rằng sóng thần nhiều khả năng bị kích hoạt bởi hiện tượng thủy triều dâng cao kết hợp với tình trạng đất chuồi bên dưới thềm biển theo sau đợt phun trào của núi lửa Krakatau gần đó.
Người dân đi sơ tán sau thảm họa sóng thần. Ảnh: AFP
Quang cảnh tan hoang sau thiên tai. Ảnh: AFP
Nhà cửa đổ nát ở vùng Pandeglang. Ảnh: REUTERS
Những hình ảnh được đưa lên mạng xã hội cho thấy một ban nhạc pop có tên gọi Seventeen đang biểu diễn dưới một chiếc lều trên bãi biển cho hàng chục khán giả ngồi xem tại bàn. Thế rồi, giữa tiếng trống nhạc xập xình, sân khấu bất ngờ bị đẩy về phía trước, hất ban nhạc và các thiết bị về phía khán giả.
Trong một thông báo đưa ra sau đó, ban nhạc cho biết một tay trống và một người quản lý đã thiệt mạng, trong khi bốn thành viên khác đang mất tích.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Pandeglang của tỉnh Banten ở Java, vốn bao gồm Vườn quốc gia Ujung Kulon và các bãi tắm nổi tiếng. Tại thành phố Bandar Lampung ở phía nam đảo Sumatra, hàng trăm người dân trú ẩn tại văn phòng của tỉnh trưởng. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân và du khách tránh xa khu vực ven biển ít nhất đến ngày 25-12.
Nhiều nước nhanh chóng tham gia hoặc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các nạn nhân sóng thần ở Indonesia.
Đài TVNZ ngày 23-12 đưa tin chính phủ New Zealand điều trực thăng Hercules chở hàng cứu trợ đến với các nạn nhân. New Zealand cũng cam kết hỗ trợ 1,5 triệu NZD (23,5 tỉ đồng) giúp cứu trợ khẩn cấp và tái thiết sau thảm họa.
Cùng ngày, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết chính phủ nước này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia nếu được yêu cầu. Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan cũng tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ nước láng giềng khắc phục hậu quả sóng thần, theo hãng thông tấn Bernama.