19 dự án điện gió, điện mặt trời được thống nhất giá tạm thời

(PLO)- Cục Điều tiết điện lực cho biết đã có 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.400 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết tính đến ngày 24-5, trong 37 hồ sơ đàm phán chủ đầu tư (CĐT) đã gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.400 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời. Bên cạnh đó, cũng có sáu dự án EVN và CĐT đã thống nhất giá tạm, đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công Thương.

Gấp rút hoàn chỉnh thủ tục

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng nhấn mạnh các hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa EVN và các CĐT đã ký kết trong giai đoạn trước kia, hiện nay chỉ thay đổi điều khoản về giá và cập nhật một số điều khoản. Hướng dẫn về giá tạm đã được thế hiện rõ trong Thông báo 182/2023 theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Nhà máy điện gió Trung Nam Ninh Thuận. Ảnh: TNG

Nhà máy điện gió Trung Nam Ninh Thuận. Ảnh: TNG

“Công ty Mua bán điện (EPTC) của EVN đã rất nỗ lực, phối hợp với CĐT trong việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, rà soát hồ sơ, tính toán sơ bộ phương án giá điện... Điều này thể hiện ở việc đơn vị này đã hoàn thành, báo cáo Bộ Công Thương 19 hồ sơ trong thời gian ngắn. Đây là khối lượng công việc rất lớn phải xử lý trong thời gian ngắn” - vị lãnh đạo này chia sẻ.

Theo Cục Điều tiết điện lực, một số CĐT đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được. Đây là lúc các CĐT cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo hướng dẫn từ Bộ Công Thương, việc thỏa thuận giá tạm thời và lập hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương cần được các CĐT thực hiện song song, khẩn trương tối đa, thực hiện đúng hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật.

Theo quy định tại các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, các dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch phát triển điện lực; thiết kế và xây dựng các hạng mục công trình theo thiết kế được phê duyệt; kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định; đáp ứng điều kiện về nhân lực đối với đội ngũ quản lý kỹ thuật, vận hành… Trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 21/2020 của Bộ Công Thương.

Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm gồm: VPL Bến Tre, Nam Bình 1, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Viên An, Trung Nam Thuận Nam 450 MW, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh...

Doanh nghiệp vẫn muốn Bộ Công Thương hướng dẫn thêm

diễn biến liên quan, ngày 23-5, 23 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng lại có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị hướng dẫn về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán theo hợp đồng mua bán điện.

Các nhà đầu tư cho biết Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20-5 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Tuy nhiên, 23 nhà đầu tư cho biết đến nay EVN chưa nhận được hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc này. Do vậy trong quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trong những ngày qua tiếp tục gặp vướng mắc.

Cụ thể, trong dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hiện nay chưa có quy định nào thể hiện rõ nội dung “sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Điều này dẫn tới việc các CĐT chưa thể ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá mua điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào.

Do vậy, các CĐT kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các CĐT về mức giá tạm thời và cho phép EVN huy động lên lưới các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.

Các CĐT cũng kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, chỉ đạo EVN quy định rõ trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung về giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định 21/2023 cho đến khi có giá mua điện chính thức. Bên mua điện và bên bán điện đàm phán và thống nhất giá mua điện chính thức. Sau khi thống nhất giá chính thức sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.

Các CĐT cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sớm sửa đổi quy định của Thông tư 15 và Quyết định 21 liên quan đến khung giá, cùng các văn bản hướng dẫn để sớm có giá mua bán điện chính thức.•

Áp dụng mức giá tạm bằng 50% khung giá

Theo EVN, 19 dự án điện gió, điện mặt trời, tổng công suất 1.400 MW nêu trên đang áp dụng mức giá tạm bằng 50% khung giá. EVN đang đôn đốc các CĐT hoàn thành các thủ tục để sớm đóng điện các công trình này ngay trong tuần theo đúng quy định với tinh thần khẩn trương nhất.

Tuy nhiên, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng giảm sâu do điều kiện gió kém nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm