Đến bến đò gần chợ số 10 thuộc phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), chỉ cần hỏi đường qua nhà ông Nguyễn Văn Triều “hay đi khiếu nại oan” là ai cũng đều biết.
Bắt người chỉ vì tranh chấp đất
Đã 19 năm nhưng ông Triều vẫn nhớ như in ngày ông bị bắt. “Bữa đó vợ tôi về quê ngoại, chỉ có hai cha con ở nhà. Công an xã mang giấy mời kêu tôi ra xã. Tôi gửi con cho mấy đứa trẻ chung xóm rồi đi. Ai ngờ đâu ra đó, tôi bị công an bắt luôn. Con nhỏ xíu không biết nhờ ai trông. Vợ thì không nhắn về được vì hồi đó không có điện thoại như bây giờ. Mấy ngày sau, vợ tôi mới trở về, ra xã hỏi mới hay chuyện…” - ông Triều rơm rớm nước mắt.
Ông Triều kể bất hạnh của ông và gia đình bắt đầu từ việc tranh chấp đất giữa chú cháu ông với một người hàng xóm tên NVN từ những năm 1988. Hai bên đã được hòa giải thành ở địa phương với nội dung ông N. được sử dụng 500 m2 đất. Mọi chuyện êm xuôi, hai bên sau đó đều không có khiếu nại gì. Tuy nhiên, đến năm 1993 UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang cũ) lại cấp giấy đỏ cho ông N. với diện tích hơn 900 m2 bao trùm lên đất mà ông Triều đang ở. Ông Triều khiếu nại thì UBND huyện buộc ông phải trả đất cho ông N. lúc thì 700 m2, lúc thì hơn 900 m2.
Từ năm 1994 đến 1995, Thanh tra và UBND huyện Châu Thành đã ban hành sáu quyết định buộc ông Triều và người chú ruột là ông Nguyễn Văn Tuân phải tháo dỡ nhà, giao trả đất cho ông N. Ông Triều, ông Tuân tiếp tục khiếu nại thì bị phía ủy ban đề nghị khởi tố hai ông về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai theo Điều 180 BLHS năm 1995.
Ông Nguyễn Văn Triều với các đơn từ khiếu nại suốt 19 năm qua. Ảnh: N.NAM
Trả tự do rồi bỏ lửng vụ án
Tháng 6-1995, công an huyện khởi tố vụ án, đến tháng 4-1996 bắt ông Triều để tạm giam. Tháng 7-1996, TAND huyện đưa ông Triều ra xét xử nhưng sau đó hoãn phiên tòa. Ông Triều nhớ lại: “Lúc đó thẩm phán bảo hoãn để điều tra bổ sung gì đó rồi ra quyết định trả tự do cho tôi ngay tại tòa”.
Tòa cho ông về nhà nhưng không nói là ông có tội hay không. Ông về được mấy tháng, thấy không có động tĩnh gì bèn khiếu nại yêu cầu các cơ quan tố tụng sớm giải quyết vụ án cho sáng tỏ nhưng không cơ quan nào trả lời. Ông khiếu nại nhiều nơi, mãi đến năm 2007, Công an TP Cần Thơ mới mời ông lên làm việc, yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan. Sau đó Công an TP Cần Thơ có thông báo khiếu nại của ông là đúng.
Ngày 19-12-2007, sau hơn 11 năm kể từ lúc tòa trả tự do cho ông Triều, Công an quận Cái Răng đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến ngày 9-2-2009, cơ quan này ra tiếp quyết định đình chỉ điều tra bị can với lý do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Xác định oan nhưng chưa bồi thường
Sau khi có quyết đình đình chỉ điều tra bị can, ông Triều làm đơn yêu cầu bồi thường oan thì Công an quận Cái Răng trả lời theo quyết định đình chỉ điều tra bị can năm 2009 thì trường hợp của ông không được bồi thường oan theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Triều khiếu nại đến các cơ quan ở trung ương. Ngày 6-4-2011, Văn phòng Cơ quan CSĐT Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm thông báo cho ông biết kết quả xác minh thấy trường hợp của ông thuộc diện được bồi thường oan, sai theo Nghị quyết 388. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an quận Cái Răng.
Hơn một năm sau, ngày 25-5-2012, VKSND Tối cao cũng có công văn trả lời đơn khiếu nại của ông. Theo đó, VKSND Tối cao xác định trường hợp của ông Triều thuộc diện được bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an quận Cái Răng. VKSND Tối cao cũng cho biết vào ngày 8-3-2011, cơ quan này đã có Công văn số 463 gửi Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44B) đề nghị chỉ đạo Công an TP Cần Thơ, Công an quận Cái Răng bồi thường oan cho ông Triều.
“Vậy mà tôi chờ hoài từ đó tới nay có thấy ai kêu tôi lên bồi thường gì đâu. Suốt 19 năm qua, thấy tôi đeo đuổi việc này, nhiều khi xóm giềng cũng khuyên tôi “thôi bỏ chứ đi hoài, kêu hoài không lại đâu”. Vợ con thì dằn dỗi, kêu đi suốt bỏ cả việc nhà. Lúc tôi bị bắt mới 37 tuổi, cái tuổi còn sung sức, đến giờ tôi đã 56 tuổi, sắp vào tuổi các cụ đến nơi! Số đơn từ khiếu nại của tôi xếp lại đã thành bao. Tôi buồn nhất là ở trung ương đã có trả lời đâu đó rõ ràng mà đến giờ ở địa phương vẫn làm thinh với tôi. Đầu năm 2014, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có công văn đề nghị Bộ Công an và VKSND Tối cao giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại của tôi nhưng rồi cũng chẳng thấy gì cả” - ông Triều ngậm ngùi.
Nhưng ông Triều vẫn cương quyết: “Tôi còn sống là còn đi khiếu nại bởi tôi muốn đâu đó rõ ràng. Cái tôi mong muốn là luật pháp phải bảo vệ được lẽ phải và lẽ công bằng ở đời!”.
Chưa rõ công an hay VKS bồi thường Ngày 8-1 vừa qua, trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tại quận Cái Răng, ông Nguyễn Thanh Thiên (Chánh án TAND TP Cần Thơ) đã khẳng định vụ ông Triều phải được bồi thường oan. Ông Nguyễn Mậu Nhân (Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ) cho biết: Lúc đầu khi có chỉ đạo của Bộ Công an thì Công an TP đã có văn bản chỉ đạo Công an quận Cái Răng thực hiện việc bồi thường. Tuy nhiên, sau đó rà lại thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cơ quan nào ra quyết định cuối cùng sai thì cơ quan đó phải bồi thường. Từ đó, Vụ Pháp chế Bộ Công an hướng dẫn là vụ này có sự bắt giam, phê chuẩn của VKS nên trách nhiệm bồi thường thuộc về VKS chứ không phải công an. Vì vậy, hiện VKSND TP Cần Thơ đang xin ý kiến VKSND Tối cao để xác định cơ quan nào bồi thường cho ông Triều. |