Khoảng 6 giờ 30 sáng 15-10, em Phạm Ngọc Hoàng (học sinh lớp 8B Trường THCS Nam Kim, trú xóm Tam Giáp, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) trên đường đi học thì bị nước lũ cuốn trôi. Lúc này một người đi đường phát hiện em Hoàng bị lũ cuốn đã lao theo để cứu nhưng do nước chảy xiết không kịp vớt được em Hoàng. Sau một giờ đồng hồ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới tìm vớt được thi thể em Hoàng và bàn giao cho gia đình tổ chức lễ mai táng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 35 xã bị cô lập do lũ dâng. Ảnh: NTV
Chiều cùng ngày, trên địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An) có mưa lớn khiến nước lũ dâng nhanh. Anh Nguyễn Vĩnh Hà (45 tuổi, trú xóm 16, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành) đi qua một đập tràn trong xã bị nước cuốn theo dòng nước lũ.
Gần một giờ đồng hồ, thi thể anh Hà được người thân và lực lượng cứu nạn tìm thấy cách xã vị trí bị nước cuốn trôi khoảng 30 m phía hạ nguồn.
Gia đình anh Hà thuộc diện hộ nghèo, anh ra đi trong mưa lũ để lại người vợ bệnh tật với ba đứa con nhỏ.
Xe cứu hỏa ở TP Vinh (Nghệ An) cũng được điều động đi bơm nước cứu các căn nhà bị ngập sâu tầng hầm. Ảnh: Đ.Lam
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp với rìa bắc của rãnh áp thấp có trục qua Trung Bộ nối với tâm vùng áp thấp trên đất liền nên thời tiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 13 đến ngày 15-10, có mưa to đến rất to, tập trung ở hạ du lưu vực sông Cả.
Lượng mưa từ ngày 13 đến 13 giờ ngày 15-10 phổ biến từ 100 mm đến trên 400 mm, cụ thể tại một số trạm như sau: Vinh 363,0 mm; Chợ Tràng (Hưng Nguyên) 409,0 mm; Nam Đàn 321,0 mm; Đô Lương 252,0 mm; Con Cuông 125,0 mm; Quế Phong 111,0 mm, Quỳnh Lưu 113,8 mm. Đặc biệt từ đêm 14 đến sáng 15-10, lượng mưa một số trạm đo được tại Hưng Nguyên, TP Vinh…trên 300 mm.
Hiện nay ở Nghệ An đã có 2.835 hộ (các phường Bến Thủy, Cửa Nam, Đội Cung, Hồng Sơn, Hưng Bình, Lê Lợi, Quán Bàu, Trung Đô, Vinh Tân và xã Hưng Chính, Nghi Kim của TP Vinh) bị ngập lụt. Số hộ dân bị sát lở đất phải di dời là ba hộ (xóm 5, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn do bị sạt lở đất). 815 ha lúa bị ngập và 7.000 ha rau màu chìm trong biển nước. Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết diện tích nuôi cá, tôm bị ngập: 1.971 ha.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An có 3.979 phương tiện trên 19.895 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Hiện nay tất cả phương tiện đang neo đậu tại bến và đã nhận được thông tin vị trí và hướng đi của bão Sarika.
Lũ chia cắt đường ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh: CH
- Tại Hà Tĩnh, đến tối nay đã có ba người chết, đó là anh Trần Văn Trung (31 tuổi, ở thôn 6, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - bị đuối nước do sẩy chân trong lúc sang giúp hàng xóm di dời tài sản. Người thứ hai là chị Nguyễn Thị Loa (34 tuổi, ở khối phố 1, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) - bị đuối nước do lật thuyền. Cuối cùng là anh Thân Văn Thuần (30 tuổi, thôn Chi Lễ, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - bị nước cuốn trôi sau khi sẩy chân tại kênh Lim Cảm.
Có 24.158 hộ ở 93 xã trên địa bàn chín huyện, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường ở Hà Tĩnh đang ách tắc và gần 20 km đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị sạt lở.