Theo đó, trong cuộc họp, các bên đã đưa ra hai phương án để thực hiện dự án trên. Cụ thể, phương án 1 do Bộ GTVT thực hiện; phương án 2 là do cả hai địa phương là TP.HCM và Tây Ninh thực hiện. Sở GTVT TP.HCM được giao thực hiện nghiên cứu, phân tích hai phương án trên.
Sau khi nghiên cứu ưu, nhược điểm của hai phương án này, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước khi gửi Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh thống nhất chủ trương khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Cụ thể, các bên sẽ nghiên cứu mở rộng phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tại các nút giao giữa đường cao tốc với đường vành đai 3, đường vành đai 4 và các điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ... nhằm tạo thêm nguồn thu, tăng hiệu quả của dự án.
Sở QH-KT TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM và các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch; tham mưu, đề xuất các vị trí, quy mô, các loại hình đầu tư phù hợp để làm cơ sở tổ chức đấu thầu quyền khai thác quỹ đất.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 10.700 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuyến cao tốc này dự kiến được đầu tư thành hai phân đoạn: TP.HCM - Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km). Trong đó, đoạn TP.HCM - Trảng Bàng có quy mô đường cao tốc bốn làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.