2 vụ ăn cá chép ủ chua bị ngộ độc: 3 người đang thở máy

(PLO)- Trong số các bệnh nhân ở Quảng Nam bị ngộ độc thực phẩm do ăn món cá chép ủ chua, ba người đang thở máy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-3, TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết Sở đã báo cáo sơ bộ về hai vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Phước Sơn.

Theo đó, vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 7-3, 11 người ăn tại lễ cúng đâm trâu ở nhà bà HTN (ngụ xã Phước Đức). Sau khi ăn, bốn người bị ngộ độc chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đến ngày 13-3, một trong bốn bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tử vong.

Vụ thứ hai, lúc 12 giờ ngày 16-3, năm người dùng cơm trưa tại nhà anh HVĐ (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn). Đến chiều 17-3, bốn người bị ngộ độc, đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn với triệu chứng đau đầu, đau họng, người mệt, buồn nôn…

Ba người bị ngộ độc thực phẩm do nghi ngờ ăn cá chép ủ chua đang thở máy. Ảnh: TN

Ba người bị ngộ độc thực phẩm do nghi ngờ ăn cá chép ủ chua đang thở máy. Ảnh: TN

Liên quan đến hai vụ ngộ độc thực phẩm này, ba bệnh nhân đang thở máy; một bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, giơ tay, chân yếu; một bệnh nhân còn buồn nôn, bụng mềm, đau quặn bụng; các bệnh nhân còn lại sức khoẻ ổn định.

Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên, ngành y tế đã lấy mẫu món cá chép làm chua gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm. Qua đó xác định, mẫu món cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.

Độc tố Clostridium botulinum là một vi khuẩn Gram dương có hình que, kỵ khí, sinh bào tử, di chuyển được có khả năng sản xuất các chất độc thần kinh botulinum.

Độc tố botulinum có thể gây ra bệnh liệt mềm nghiêm trọng ở người và động vật, là độc tố mạnh nhất, có từ tự nhiên hoặc tổng hợp, với liều lượng gây chết người là 1,3-2,1 nano g/kg ở người.

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khuyến cáo, người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua, ....

Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm