20 người chết/ngày vì tai nạn giao thông dịp Tết

Ngày 9-2, Văn phòng Bộ Công an cho biết trong ngày mùng 5 Tết cả nước xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 33 người.

Như vậy, sau tám ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cả nước xảy ra 248 vụ tai nạn giao thông, làm chết 161 người, bị thương 222 người.

So với bảy ngày Tết Nguyên đán năm 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mồng 5 Tết) giảm 46 vụ tai nạn giao thông (giảm 17,7%), giảm 60 người chết (giảm 30,7%).

Bình quân số người chết trong tám ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người chết/ngày, giảm 8 người chết/ngày (giảm 28,5%) so với bình quân số người chết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tình hình khám, cấp cứu tai nạn giao thông sau sáu ngày nghỉ Tết (tính từ 7 giờ sáng ngày 2-2 đến 7 giờ sáng ngày 8-2), có 35.366 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông (chiếm 19,4% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết).

“Trong đó, 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện…”, Cục Quản lý khám chữa bệnh thông tin.

Cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết số lượt phản ánh qua các đường dây nóng gần 25 lượt/ngày. Nội dung phản ánh chủ yếu là hành vi vi phạm các quy định liên quan tới kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, tình trạng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé, bán vé nhưng không giữ chỗ cho hành khách, khi hành khách phản ánh tình trạng chở quá tải nhà xe đã đuổi hành khách khỏi xe giữa đêm khuya.

“Các thông tin trên được chuyển đến lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý…”, ông Thái cho biết.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau tám ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tai nạn giao thông có xu hướng tăng cao từ ngày mồng 4 Tết.

Nguyên nhân chủ yếu là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm quy định về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Đối tượng xảy ra tai nạn giao thông phần lớn là người đi xe máy, khu vực xảy ra TNGT chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị .

“Tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường xung quanh đền, chùa trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này tăng cao…”, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá.

Cùng ngày, phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) tổ chức ra quân bảo đảm an toàn giao thông sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi với chủ đề "Năm an toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy".

Để bảo đảm an toàn giao thông cũng như hướng dẫn phân luồng cho nhân dân đi lại vui xuân, Phòng CSGT CATP Hà Nội khẳng định đã triển khai 100% quân số, phối hợp công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành giao thông và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên 15 tuyến quốc lộ, 391 nút giao thông trọng điểm.

"Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh hệ thống xử phạt qua camera, tiến hành đợt hai xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, nâng cao hiệu quả 15 tổ 141 xử lý vi phạm tất cả thời gian trong ngày, thực hiện hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm và bảo đảm an toàn giao thông. Đặc biệt, xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm, có thái độ không đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân...", Công an TP Hà Nội thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới