Chiều 4-12, BS Trần Đoàn Đạo, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Điều trị vết thương TP.HCM, cho biết ước tính 25% bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) có biến chứng loét bàn chân.
“Điều đáng nói 40% bệnh nhân bị tái phát trong vòng một năm sau khi chữa lành loét bàn chân ĐTĐ” – BS Đạo cho biết thêm.
Loét bàn chân ĐTĐ là các vết loét làm tổn thương da và có thể có các tổ chức dưới da, vùng dưới mắt cá chân, vùng chịu áp lực tì đè hoặc ở vị trí da thường xuyên tiếp xúc với ngoại vật.
“Loét bàn chân ĐTĐ là vết thương phức tạp, mạn tính, ảnh hưởng đến bệnh nhân trọng thời gian dài và liên quan đến chất lượng cuộc sống (trầm cảm, hạn chế sinh hoạt thường ngày…)” – BS Đạo chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng loét bàn chân ĐTĐ là do kiểm soát đường huyết kém; hút thuốc lá; thừa cân béo phì; suy giảm sức đề kháng, miễn dịch.
“Bên cạnh đó, không chăm sóc vệ sinh bàn chân, đi chân trần; mang giày dép chật, cứng dễ cọ sát, gây tổn thương bàn chân. Chưa hết, cắt móng chân, cắt da không đúng cách; bôi dầu nóng, ngâm nước nóng, sử dụng các thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau cũng là nguyên nhân gây loét bàn chân ĐTĐ” - BS Đạo nói.
Bệnh nhân ĐTĐ cần nhận biết các dấu hiệu loét bàn chân và nên gặp BS sớm. Cụ thể: Bàn chân xuất hiện màu da bất thường; da khô, nức nẻ ở gót chân; sưng tấy bàn chân hoặc mắc cá chân. Bên cạnh đó, thay đổi nhiệt độ ở bàn chân; đau hoặc ngứa bàn chân, mắt cá chân; mất cảm giác ngón chân, bàn chân; thường xuyên đi rơi dép.
“Bệnh nhân ĐTĐ còn có dấu hiệu loét bàn chân khi rơi vào tình trạng sốt, ớn lạnh; móng chân mọc ngược; phù nề quanh vết thương” – BS Đạo nói thêm.
Để ngăn ngừa loét bàn chân, bệnh nhân ĐTĐ nên kiểm soát đường huyết khi đói từ 110 – 140 mg/dl; kiểm tra bàn chân hàng ngày, đến khám BS khi phát hiện vết loét, mụn nước, đỏ, vết chai. Bên cạnh đó, vệ sinh chân và thoa kem dưỡng da ẩm; lau khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân; mang giày vừa vặn, thoải mái; luôn mang tất sạch và khô, có độ đàn hồi co dãn, thay đổi hàng ngày.
“Tuyệt đối không tuân thủ điều trị, hút thuốc lá; tự điều trị tại nhà, dùng thuốc không rõ nguồn gốc; dùng dầu nóng, nước nóng, thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân; đi chân trần, mang giày dép chật” – BS Đạo lưu ý.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP hiện chỉ có 1-2 đơn vị điều trị chuyên sâu loét bàn chân ĐTĐ. Con số này quá ít so với nhu cầu được chăm sóc và điều trị loét bàn chân của bệnh nhân ĐTĐ.
“Loét bàn chân ĐTĐ được xem là vết thương khó lành. Thế giới xem vết thương khó lành là một “bệnh dịch thầm lặng” nên tìm mọi cách để ngăn ngừa” – TS-BS Giang cho biết thêm.
Bệnh nhân ĐTĐ bị loét bàn chân đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đeo đuổi một ca điều trị kéo dcài nhiều tháng, tốn kém nhiều chi phí.
“Hội Y tế công cộng TP.HCM đồng hành cùng hệ thống y khoa quốc tế Bernard mở rộng hoạt động chăm sóc và điều trị loét bàn chân cho bệnh nhân ĐTĐ với chi phí phù hợp. Bệnh nhân ĐTĐ bị loét bàn chân có hoàn cảnh quá khó khăn sẽ được xem xét hỗ trợ” – TS-BS Giang chia sẻ.