Nhận định về sự kiện này, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, cho rằng: Cuộc tấn công ngày 17-2-1979 của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam “mang đầy đủ yếu tố của cuộc chiến tranh xâm lược chứ không phải là “phản kích để tự vệ” như Trung Quốc vẫn nói”.
Phải nhìn rõ bản chất của cuộc chiến
. Phóng viên: Sau 40 năm, nhìn lại cuộc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới giới phía Bắc vào tháng 2-1979, theo ông bản chất của cuộc chiến này là như thế nào?
+ PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Cuộc chiến biên giới phía Bắc đã xảy ra cách đây 40 năm, phía Việt Nam cũng không thể ngờ lại có một cuộc chiến như vậy.
Bởi khi Việt Nam mới kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được 4 năm thì Trung Quốc lại mang quân sang đánh Việt Nam với lực lượng lên 60 vạn người, quy mô lớn, trong một không gian rộng.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: THANH TUYỀN
Nói thẳng, nó mang đầy đủ yếu tố của cuộc chiến tranh xâm lược chứ không phải là “phản kích để tự vệ” như Trung Quốc vẫn hay nói. Tính chất của một cuộc phản kích thường là chỉ diễn ra ở một không gian hẹp, trong một thời gian rất ngắn thôi với một lực lượng nhỏ. Nhưng ở đây, lực lượng Trung Quốc tràn sang Việt Nam lên đến 60 vạn quân, cuộc chiến trải dài trên tuyến biên giới dài 1400 cây số thì sao lại gọi là “phản kích”?
Tôi xin nói rõ, đây không phải là một cuộc phản kích tự vệ nên lý do mà Trung Quốc đưa ra là hoàn toàn không đúng, không có căn cứ.
.Trung Quốc luôn ra rả để nói với thế giới rằng việc phát động cuộc chiến phi nghĩa này là để "dạy cho Việt Nam một bài học", ông nhận định gì về điều này?
+ Đúng là Trung Quốc đã nói như thế. Nhưng không nói rõ là bài học gì. Thực tế các hành động quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam được thế giới và người dân Việt Nam nhận thức đây là hành động răn đe, hằn học… Bởi Việt Nam sai cái gì để dạy? Tại sao Trung Quốc lại phải dạy cho Việt Nam một bài học; cái bài học này xin nói thẳng, Việt Nam chưa học bao giờ!
Những bài học từ cuộc chiến vẫn còn nguyên giá trị
.Chiến tranh luôn gây tổn thất cho 2 phía và tổn thất cho mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Biết là thế, sao Trung Quốc vẫn tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy đối với Việt Nam? Mục tiêu chính của Trung Quốc là gì?
+ Trong nghiên cứu của mình, tôi cho rằng khi tiến hành cuộc chiến này, Trung Quốc muốn đạt được 6 mục tiêu chính.
Trung Quốc tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam tháng 2-1979, gây ra sự tàn phá khắp vùng biên giới phía Bắc. Ảnh: Tư Liệu
Một là, Trung Quốc muốn cứu quân Pol Pot, điều này rất rõ. Trung Quốc nhân cơ hội muốn đánh Việt Nam để cứu tập đoàn Pol Pot, buộc chúng ta rút khỏi Campuchia, tạo điều kiện để quân Pol- Pot quay trở lại.
Hai là, dù tiến đánh Việt Nam nhưng Trung Quốc lại muốn xem thử phản ứng của Liên Xô có giúp Việt Nam như cam kết trong Hiệp ước (ký kết tháng 11-1978) hay không? Và bằng hành động đánh Việt Nam, Trung Quốc muốn kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á.
Ba là, Trung Quốc muốn thông qua cuộc tiến công này để kiểm nghiệm khả năng của quân đội mình, thực hiện hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc...
Mục tiêu hiện đại hóa quân đội là một trong bốn mục tiêu quan trọng nhất mà Đặng Tiểu Bình đã vạch ra ở thời điểm đó, bên cạnh ba mục tiêu khác là: hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật.
Bốn là, Trung Quốc muốn tranh thủ sức mạnh của Mỹ và phương Tây để thực hiện công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc.
Trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình có sang thăm Mỹ và nói chuyện với Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter muốn đánh Việt Nam là để “dạy cho Việt Nam” một bài học. Bằng hành động đó, Trung Quốc muốn bắn một thông điệp cho phương Tây và Mỹ là Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với phương Tây và Mỹ. “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, đó là câu nói rất thực dụng của Đặng Tiểu Bình khi muốn thực hiện mục tiêu này.
Năm là, Trung Quốc muốn răn đe các nước khác trong khu vực rằng nếu không nghe theo Trung Quốc thì họ sẵn sàng thực hiện hành động quân sự như đã làm với Việt Nam.
Sáu là, Trung Quốc mang quân đánh Việt Nam một phần là để giải quyết mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc. Vì trong nội bộ Trung Quốc ở thời điểm đó, không phải ai cũng muốn đưa quân tiến đánh Việt Nam. Và Đặng Tiểu Bình muốn thông qua cuộc chiến với Việt Nam để thống nhất quyền lực, thâu tóm quyền lực về mình, thống nhất nội bộ.
. Những tổn thất từ cuộc chiến này làm cho 2 bên tốn rất nhiều thời gian để gầy dựng lại quan hệ . Vậy bài học rút ra từ cuộc chiến này là gì, thưa ông?
+ Trong cuộc chiến này, có một câu hỏi mà những người nghiên cứu như chúng tôi đặt ra là: Chúng ta có bị bất ngờ trong cuộc chiến này hay không?
Quân và dân ta đã tiến hành một cuộc chiến vệ quốc suốt 10 năm ( 1979-1989) để bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Ảnh: Tư Liệu
Xin trả lời là chúng ta không bị bất ngờ về chiến lược nhưng bị bất ngờ về chiến dịch, về thời điểm tiến công của Trung Quốc, về quy mô cuộc chiến.
Và từ đó, bài học rõ nhất mà chúng ta cần rút ra là: Phải nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến mới để không bị động, không bị bất ngờ.
Thêm nữa, chúng ta cũng cần có nhận thức sâu hơn về bối cảnh quốc tế và khu vực như thế nào cho phù hợp. Lợi ích chiến lược của các nước lớn lúc đó như thế nào, có lợi hay hại cho chúng ta.
Đó còn là bài học về sự chuẩn bị cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, về điều động lực lượng sao cho kịp thời, chuẩn bị tác chiến; về công tác chỉ huy, sơ tán người dân như thế nào để không phải tổn thất quá nhiều....
Dù đã qua 40 năm nhưng tôi nghĩ những bài học trên vẫn còn nguyên giá trị ở bất cứ thời điểm nào.
Xin cảm ơn ông!.