3 giải pháp lớn để cải cách hành chính của TP.HCM hiệu quả

(PLO)- Cần áp dụng công nghệ vào cải cách hành chính và phải làm trúng chỗ, không tràn lan, hạn chế cải cách theo kiểu đắp vá, dân than chỗ nào, nghẽn chỗ nào thì cải cách chỗ đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (15-9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi đã nhận được ý kiến của TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TP.HCM) trao đổi về vấn đề cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM hiện nay.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM.

Cải cách hành chính phải khoa học, không “đắp vá”

TP.HCM cũng như các địa phương khác cần xác định mục tiêu CCHC, từ đó xác định yêu cầu cụ thể của CCHC. Không thể cải cách chung chung, cũng không thể khâu nào, mảng nào cũng cải cách mà cần xác định điểm mạnh, điểm yếu của các nội dung cải cách.

CCHC bao gồm cải cách thủ tục, nhân sự và thể chế. Tuy nhiên, TTHC chính là hình thức tồn tại của CCHC, sự thành bại của CCHC được nhìn thấy rõ qua cải cách các thủ tục. Do đó, chính quyền TP.HCM cần đánh giá lại tính kết nối giữa các bộ phận, các ngành, các cấp trong thực hiện TTHC nhằm bảo đảm tính xuyên suốt của quy trình, cần quy kết trách nhiệm các khâu chậm trễ, làm ảnh hưởng tiến độ chung. Rà soát, phân loại các TTHC, thủ tục nào cần hoàn thiện, thủ tục nào nên tiếp tục duy trì, thủ tục nào cần đề xuất trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.

TP.HCM cũng cần xác định khâu trọng yếu của từng loại thủ tục khi nâng cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến đạt mức độ 3, 4. Tức cần xác định bản chất của thủ tục để việc áp dụng khoa học công nghệ trúng đích, hạn chế cải cách theo kiểu đắp vá, dân than chỗ nào, nghẽn chỗ nào thì cải cách chỗ đó. Hoặc ứng dụng công nghệ tràn lan, cải cách vòng ngoài và không đi đúng vào nội dung.

Hiện nay mô hình dịch vụ công trực tuyến ở TP không hiệu quả. Ngoài các nguyên nhân về kết nối cơ sở dữ liệu hay năng lực chuyên môn thì khả năng thu hút người dân đến với mô hình này còn kém. Trong khi đó, rào cản về tâm lý, khả năng hiểu biết của người dân về vấn đề này đều có thể được giải quyết thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn.

TP.HCM cần kiên trì đề xuất được phân quyền quản lý ngành, lĩnh vực, từ đó câu chuyện CCHC mới có thể có hiệu quả.

Biên chế cứng nhắc là không hợp lý

TP.HCM cũng phải tận dụng các nội dung tự chủ của cơ chế đặc thù và chính quyền đô thị để cải cách, vì đây là ưu thế của TP.HCM. Điều này sẽ cho thấy sự vượt trội so với các địa phương khác, cũng là minh chứng cho những đổi mới trong phạm vi tự chủ nhằm đề xuất những nội dung tự chủ sâu hơn.

TP.HCM cần tập trung vào ba vấn đề lớn là cải cách thủ tục, nhân sự và thể chế để có bước đột phá toàn diện về cải cách hành chính. Ảnh: LÊ THOA

TP.HCM cần tập trung vào ba vấn đề lớn là cải cách thủ tục, nhân sự và thể chế để có bước đột phá toàn diện về cải cách hành chính. Ảnh: LÊ THOA

Bên cạnh đó, TP cần gấp rút xây dựng đề án vị trí việc làm của công chức hành chính trình trung ương phê duyệt để có cơ chế quản lý, sử dụng nhân lực địa phương hợp lý. Đặc biệt, cần có sự học hỏi các mô hình cải cách TTHC đã chứng minh được hiệu quả trên thực tế.

Thực ra, mặt trái, tác dụng phụ của các chỉ số cạnh tranh ở các địa phương, các ngành chính là tính cục bộ, độc quyền, dẫn đến các mô hình cải cách ít được nhân rộng. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ chính mô hình tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta. Trong đó, các cơ quan chuyên môn ở địa phương còn trực thuộc quá lớn cơ quan chuyên môn cấp trên, mà đầu não chính là các bộ, cơ quan ngang bộ.

Hiện nay sự kết nối giữa các bộ còn kém, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa ngành, lĩnh vực còn phổ biến do tư duy phân chia ngành, lĩnh vực còn máy móc, cục bộ và chưa có chiến lược trong cải cách theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt đầu mối. Khi trung ương chưa thông suốt thì địa phương thiếu liên kết là chuyện khó tránh.

Về biên chế, hiện nay trung ương quy định biên chế “cứng” cho các địa phương, trong đó có cả TP.HCM là không hợp lý. Chẳng hạn biên chế xã, phường theo Nghị định 34/2019 vừa không phù hợp với nhu cầu quản lý địa phương vừa rất cứng nhắc, gây khó khăn cho các địa phương về nhân lực, đặc biệt là các xã, phường đông dân.

Ngoài ra, thể chế quản lý hiện đang thiết kế theo ngành, lĩnh vực, bao gồm hai phần không tách rời là nội dung quản lý và thủ tục quản lý. Trung ương đều nắm quyền quyết định cả hai nội dung này thông qua việc ban hành các văn bản luật chuyên ngành. Điều này sẽ rất khó khăn cho các địa phương nói chung và TP.HCM nói riêng trong CCHC.

Mặt được của điều này là sự thống nhất TTHC, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, dẫn đến gây phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, mặt không được lại khá lớn, làm mai một đi cơ hội đổi mới về TTHC ở những nơi có nhu cầu cao như TP.HCM.

Do đó, TP.HCM cần kiên trì đề xuất được phân quyền quản lý ngành, lĩnh vực, từ đó câu chuyện CCHC mới có thể đến nơi đến chốn.

LÊ THOA ghi

Sở, ngành cần chỉ ra hạn chế lẫn nhau để tháo gỡ

Tình trạng các bộ, sở không hài lòng với nhau hay cấp dưới không hài lòng cấp trên là phổ biến trong mô hình tổ chức bộ máy hành chính theo cấp hành chính và theo ngành, lĩnh vực như hiện nay. Do vậy, việc làm rõ và chỉ ra những hạn chế của nhau là điều cần thiết.

Điểm sáng của hầu hết mô hình CCHC đều phần lớn từ những tư duy “xé rào” của những người dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, để khuyến khích cán bộ địa phương dám nghĩ, dám làm trong CCHC thì cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích họ. Trong đó hai nội dung cơ bản cần được bảo đảm là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và quy chế bảo vệ, khuyến khích thực chất về lương, thưởng, bằng khen, quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm