Những mô hình cải cách đột phá ở TP.HCM

(PLO)- Việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua nhiều ứng dụng… tại các đơn vị, địa phương sẽ giúp giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Tại TP.HCM, số hóa thủ tục hành chính cùng những hoạt động khác đang được triển khai sâu rộng đến từng đơn vị và công chức, viên chức để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Nhằm giúp độc giả nắm bắt chi tiết chuyển biến này,Pháp Luật TP.HCM giới thiệu về những mô hình cải cách hành chính mang tính đột phá này.

Trong công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 của TP.HCM mới đây đã ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ về thứ hạng của một số đơn vị, sở, ngành như Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT, quận Bình Tân, quận 1... Tuy nhiên, đi cùng với đó là những khó khăn, trở ngại mà các đơn vị, sở, ngành cần nỗ lực cải thiện để hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Do đó, UBND TP.HCM đề nghị trong năm 2022 các đơn vị, địa phương cần tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) một cách thực chất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC mới, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Cùng đó là tập trung thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, giảm tỉ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân; chủ động nghiên cứu thí điểm các mô hình mới có hiệu quả…

Người dân khi đến UBND quận Bình Tân làm thủ tục sẽ không còn phải chờ đợi mà được cán bộ xử lý, giải quyết rất nhanh chóng. Ảnh: LÊ THOA

Người dân khi đến UBND quận Bình Tân làm thủ tục sẽ không còn phải chờ đợi mà được cán bộ xử lý, giải quyết rất nhanh chóng. Ảnh: LÊ THOA

Không còn cảnh phải chờ đợi

Bình Tân là quận đông dân nhất TP.HCM, chịu nhiều áp lực với việc gia tăng dân số cơ học kéo theo hàng loạt vấn đề khó khăn. Điều này buộc bộ máy hành chính của quận phải nỗ lực gấp nhiều lần. Dù vậy nhiều năm qua, chỉ số CCHC của quận đều đạt loại xuất sắc, nằm trong tốp dẫn đầu của TP. Đáng chú ý, năm 2021, chỉ số CCHC của quận Bình Tân được UBND TP.HCM đánh giá đứng đầu ở khối 22 quận, huyện và TP với 94,27 điểm.

Bước chân vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND quận Bình Tân, nhiều người dân cho biết nơi đây ngày càng được cải thiện cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng phục vụ. Sự thoáng mát, tiện lợi, hiện đại về không gian cùng sự nhanh nhẹn, nhiệt tình trong giải quyết hồ sơ của cán bộ khiến người dân hài lòng.

Bà Mai Thị Lệ ngụ phường Bình Hưng Hòa A cho biết so với vài năm trước, TTHC của quận Bình Tân được giải quyết nhanh gọn hơn, dịch vụ công trực tuyến cũng được đẩy mạnh. “Không còn cảnh chờ đợi, đông đúc như trước, nhiều thủ tục chúng tôi có thể ngồi nhà làm hoặc chỉ cần ra khu phố là có người hướng dẫn” - bà Lệ vui mừng nói.

Theo bà Lệ, trước đây nói lên quận, lên phường làm hồ sơ là rất sợ vì quá đông. Người dân muốn làm khai sinh, khai tử cũng rất mất thời gian nhưng bây giờ chỉ mất khoảng 1-2 tiếng.

Còn ông Trịnh Văn Nam ngụ phường An Lạc A bày tỏ phấn khởi trước những chuyển biến trong CCHC của quận. Theo ông, tổ dịch vụ công trực tuyến ở các khu phố hoạt động rất tốt, không chỉ hỗ trợ người dân làm dịch vụ công mà cán bộ khu phố còn hỗ trợ bà con mọi thủ tục từ dễ đến khó.

“Người Hoa ở khu phố chúng tôi cần làm thủ tục hộ tịch hay nhà đất gì đều được bí thư khu phố hướng dẫn tận tình, thậm chí giúp điền thông tin hồ sơ, viết giúp đơn thư, giấy tờ, vì nhiều người Hoa không rành tiếng Việt, càng không rành thủ tục” - ông Nam kể và cho biết nhờ vậy người dân không phải đi tới đi lui nhiều lần, ai có thắc mắc gì cứ ra khu phố là được giải đáp.

“Ở chỗ tôi, rất lâu rồi không còn nghe ai than việc bị cán bộ làm khó, nếu có thắc mắc thủ tục chậm trễ ra sao cứ hỏi ngay chỗ bác bí thư khu phố” - ông Nam nói thêm.

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục tại điểm dịch vụ công trực tuyến ở lô A chung cư 43, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục tại điểm dịch vụ công trực tuyến ở lô A chung cư 43, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Đầu tháng 7 vừa qua, Ban chỉ đạo CCHC - Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận Phú Nhuận đưa mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, Đề án 06 và thanh toán điện tử” vào thực hiện tại 60 điểm trên địa bàn quận.

Đánh giá bước đầu, mô hình này được người dân ủng hộ và đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng hồ sơ đã giải quyết và tỉ lệ tham gia làm TTHC thông qua dịch vụ trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thống kê đến ngày 21-7, tại 60 điểm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã có 7.703 lượt người dân đến trao đổi (trung bình tại mỗi điểm hướng dẫn 10 người/buổi), trong đó có 6.468 tài khoản DVCTT được tạo, 1.447 hồ sơ được lực lượng tình nguyện viên vẫn hướng dẫn cho người dân.

Bà Lê Thị Minh ngụ phường 9, quận Phú Nhuận cho biết nhờ có mô hình này mà bà và người dân đỡ mất thời gian di chuyển đến trụ sở UBND. “Tôi thấy mô hình rất hay, các điểm được bố trí đến từng địa phương và có người hướng dẫn nên việc thực hiện TTHC thuận tiện hơn rất nhiều” - bà Minh nói.

7 tiêu chí đánh giá
cải cách hành chính

Việc đánh giá các chỉ số CCHC trong năm 2021 được tính trên bảy lĩnh vực. Cụ thể là cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách bộ máy, chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa chính quyền điện tử, tài chính công. Ngoài ra, công tác khảo sát sự hài lòng của người dân từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng được tính chỉ số cho các đơn vị.

Thêm nhiều mô hình cải cách mới

Ông Đỗ Đăng Ái, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, thông tin năm 2021, chỉ số CCHC của quận Phú Nhuận được xếp loại tốt, đứng thứ sáu trong khối 22 quận, huyện và TP với 92,13 điểm. Năm 2022, quận xác định tập trung thực hiện công tác CCHC với những mô hình, giải pháp cụ thể để phục vụ người dân, DN. Trong đó có mô hình ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số, DVCTT, Đề án 06 và thanh toán điện tử đến từng khu phố trên địa bàn quận.

Giai đoạn đầu triển khai, các điểm sẽ thực hiện 49 TTHC DVCTT (21 TTHC do UBND và 28 TTHC do công an quận, phường thực hiện). Sau đó từng bước mở rộng các thủ tục thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 theo quy định chung. Mỗi điểm được trang bị ít nhất hai máy vi tính có kết nối Internet tốc độ cao, hoạt động vào các buổi tối thứ Ba, Tư, Năm (từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30) và sáng thứ Bảy (từ 8 giờ đến 11 giờ) hằng tuần. UBND các phường phân công công chức, tình nguyện viên phụ trách hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người dân thực hiện các dịch vụ.

Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện DVCTT. Về lâu dài là giúp người dân, DN thay đổi nhận thức, thói quen thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến. “Đây là một trong những giải pháp, cách làm nhằm tuyên truyền, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về chuyển đổi số, DVCTT. Qua đó kêu gọi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân, DN trong việc thực hiện Đề án 06 và DVCTT” - ông Ái nói.

Ngoài ra quận đang chuẩn bị triển khai mô hình “Đồng hành cùng DN” để chủ động kết nối và chăm sóc DN trên địa bàn. Các thông tin phản ánh, giải quyết thủ tục sẽ được tiếp nhận qua các kênh khác nhau, trọng tâm là app “Phú Nhuận đồng hành”. Quận cũng triển khai “Tiếp nhận và giải quyết TTHC ngay trong ngày” đối với một số TTHC xuyên suốt trong năm 2022 (gồm 11 TTHC thuộc cấp quận và sáu TTHC thuộc cấp phường).

Theo lãnh đạo quận Phú Nhuận, quận xác định việc CCHC và kiểm soát TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, các mô hình và giải pháp mà quận đang thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong phục vụ người dân, DN. Từ đó hướng tới mục tiêu lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức quận Phú Nhuận.

“Các TTHC được công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hoạt động có hiệu quả” - vị này nói và cho biết sáu tháng đầu năm 2022, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của quận đạt 100%; tỉ lệ hài lòng của tổ chức, cá nhân tại bộ phận một cửa quận, phường đạt trên 99%. Quận đã tiếp nhận và xử lý 1.996 hồ sơ, trong đó có 1.712 hồ sơ trực tuyến, đạt tỉ lệ 85,77% (tăng 13,47% so với cùng kỳ).

Càng áp lực, quận càng nỗ lực

Chia sẻ về kết quả đứng đầu về chỉ số CCHC năm 2021, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM, nhìn nhận công tác CCHC luôn được quận đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Từ đó kịp thời đôn đốc triển khai thực hiện nhiều nội dung đạt chất lượng, đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Hằng tháng, quận theo dõi, chấm điểm công tác chỉ đạo điều hành, kịp thời khen thưởng đơn vị làm tốt, nhắc nhở những đơn vị chậm tiến độ. Từ đó những hạn chế, tồn tại trong công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị được đôn đốc và khắc phục nhanh chóng, từng bước củng cố, cải thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác CCHC.

Theo ông Nhựt, dưới áp lực của một địa phương có diện tích rộng, dân số đông, quận Bình Tân càng quyết tâm nỗ lực CCHC để phục vụ người dân tốt hơn. Hằng năm, quận đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đăng ký và thực hiện các sáng kiến, giải pháp trong công tác CCHC. “Đã có rất nhiều sáng kiến được áp dụng để phục vụ tốt hơn cho người dân như rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, tuyên truyền DVCTT đến người dân, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ người dân thực hiện TTHC…” - ông Nhựt thông tin.

Cán bộ quận Bình Tân, TP.HCM hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho người dân. Ảnh: LÊ THOA

Cán bộ quận Bình Tân, TP.HCM hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho người dân. Ảnh: LÊ THOA

Từ giữa năm 2021, Bình Tân đã triển khai hệ thống lấy số trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên tinh thần phục vụ người dân và DN, thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, quận còn xây dựng ứng dụng “Công chức trực tuyến Bình Tân” nhằm đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin trong quá trình trao đổi thông tin của cán bộ, công chức. “Năm 2022, quận Bình Tân sẽ phấn đấu duy trì thứ hạng chỉ số CCHC của năm 2021” - ông Nhựt khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND quận Bình Tân, để làm được việc này quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra chuyên đề hoặc đột xuất trong việc giải quyết hồ sơ hành chính. Đặc biệt chú trọng kiểm tra việc giải quyết hồ sơ nhà đất, cấp phép xây dựng, công tác tiếp công dân, phong cách giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Quận cũng chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền về CCHC, kiểm soát TTHC bằng nhiều giải pháp đa dạng. Nâng cấp mới cổng thông tin điện tử của quận để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người truy cập, qua đó cung cấp nhiều hơn những tiện ích hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ hành chính công. Đồng thời, Bình Tân tiếp tục phát huy vai trò của 130 tổ tư vấn thực hiện DVCTT tại các khu phố để tuyên truyền, vận động người dân, DN tham gia thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.

“Quận sẽ tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong CCHC nhằm phục vụ người dân tốt nhất” - ông Nhựt thông tin.

Ông Nhựt cũng cho biết liên tục các năm 2018, 2019, 2020, chỉ số CCHC (PAR Index) của quận đạt loại xuất sắc, nằm trong nhóm dẫn đầu của TP. Đặc biệt trong năm 2021, chỉ số CCHC của quận đạt 94,27 điểm, được UBND TP xếp loại tốt và xếp hạng 1/22 quận, huyện, TP.

Cụ thể công tác chỉ đạo, điều hành đạt 8,5/9 điểm; cải cách thể chế đạt 6/6 điểm; cải cách TTHC đạt 15,5/16 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt 8/9 điểm; cải cách chế độ công vụ đạt 13/13 điểm; cải cách tài chính công đạt 7,5/7,5 điểm; công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 12,75/14,5 điểm.

Ngoài ra, quận được 5/5 điểm cộng. Điểm đánh giá, nhận xét của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đạt điểm 10/10. Điểm đánh giá của đại biểu HĐND TP và lãnh đạo của các sở, ngành, quận, huyện… đạt 8,02/10 điểm.


TP.HCM rà soát, đẩy mạnh số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính

Để công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn TP.HCM tiếp tục tạo ra được bước đột phá mạnh mẽ và vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu đến năm 2025 TP.HCM trở thành đô thị thông minh, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình… mới đây UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 08/2022 về thực hiện hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Theo UBND TP, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận thì công tác CCHC của TP.HCM thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đơn cử như tỉ lệ hồ sơ trễ hạn còn khá lớn, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn chậm, chưa hiệu quả và đồng bộ, một số ít số lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự chuyên nghiệp trong phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN)…

UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đóng góp, hiến kế cải cách hành chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đóng góp, hiến kế cải cách hành chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ cho công tác CCHC. Trong đó tập trung xây dựng và phát huy nguồn lực tham gia phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của TP. Giải quyết dứt điểm, chất lượng, đúng tiến độ, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, DN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo; lấy người dân và DN là trung tâm.

Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đảm bảo 100% cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; thực hiện cơ chế cạnh tranh công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và đổi mới trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức…

Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị. Xác định kết quả CCHC hằng năm là một trong những nội dung quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nghiêm túc tổ chức đối thoại giao tiếp giữa chính quyền với người dân và DN nhằm trực tiếp lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc để sửa đổi, bổ sung kịp thời, có cơ chế khuyến khích người dân, DN đóng góp, hiến kế CCHC.

“Thường xuyên rà soát đơn giản hóa, kiểm soát thủ tục hành chính đúng theo quy định; đẩy nhanh việc chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định” - UBND TP.HCM nhấn mạnh. N.THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm