Ngày 12-8, Sở TT&TT TP.HCM cho biết TP.HCM đứng thứ ba toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021, theo kết quả công bố của Bộ TT&TT tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số mới đây.
Theo đó, TP.HCM tăng 2 bậc so với năm 2020.
Cán bộ quận 1 giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: LÊ THOA |
Sở TT&TT TP cho biết kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số dựa trên 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động.
Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm sáu chỉ số chính: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm ba chỉ số chính: hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Sở TT&TT nhìn nhận, trong năm 2021, TP.HCM phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có. Việc đứng thứ ba toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP cũng như quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị TP trong ứng phó dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phát triển bền vững.
Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chuyển đổi số, TP.HCM đã triển khai các nền tảng quan trọng. Gồm:
Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu TP (LGSP) để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại TP và kết nối liên thông thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, thực hiện liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành.
Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung từ Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có tại các sở, ngành về Kho dữ liệu dùng chung của TP.
Nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn TP phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước. Hiện nay, Cổng thông tin 1022 tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng TP.
Nền tảng họp trực tuyến đã góp phần thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến và đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch của TP. Cán bộ công chức, viên chức thành phố có thể thực hiện họp trực tuyến đơn giản với thiết bị thông minh.
Bên cạnh đó, trong thời gian sắp tới, TP sẽ đẩy mạnh nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp và nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Mục tiêu là phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ người dân và cán bộ công chức.
3 ứng dụng chuyển đổi số nổi bật
- Hệ thống bản đồ điện tử phục vụ công tác phòng chống dịch của TP bao gồm: Bản đồ phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ cho người dân; Bản đồ đánh giá nguy cơ an toàn theo tiêu chí của Ban Chỉ đạo quốc gia; Bản đồ theo dõi phong trào thi đua mở rộng vùng xanh và Bản đồ đánh giá mức nguy cơ an toàn đến cấp Tổ dân phố, Tổ nhân dân.
- Cổng thông tin COVID-19 TP: TP đã triển khai Cổng thông tin COVID-19 TP tại địa chỉ http://covid19.hochiminhcity.gov.vn với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình phòng, chống dịch như: số liệu, thông tin tình hình diễn biến dịch, các loại bản đồ; các hướng dẫn y tế, thông tin phục vụ chăm sóc sức khỏe; các văn bản điều hành mới nhất của TP; kênh góp ý, hiến kế cho công tác phòng, chống dịch; các liên kết đến dịch vụ tra cứu thông tin người thân đang điều trị COVID, các đường dây nóng…
-Cổng thông tin An toàn COVID (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/): để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành phố đăng ký và sử dụng mã QR để kiểm soát nhân viên, khách đến giao dịch.
-Ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường Oxy “Oxy 247”: ứng dụng trên điện thoại di động được thiết kế đơn giản và tiện lợi nhằm hỗ trợ cho các bệnh nhân COVID-19, cơ quan Y tế tìm nhanh chóng bệnh viện còn giường Oxy và máy thở.