“Trong năm 2016, TP.HCM phải hoàn thành việc kiểm định 474 chung cư cũ”. Ngày 8-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa chỉ đạo tại buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện bàn về cơ chế đặc thù trong cải tạo, đầu tư xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng đề xuất ba giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ xây mới chung cư cũ. Đó là phân cấp, ủy quyền cho địa phương; điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc và bố trí tái định cư tại chỗ đối với các chung cư do Nhà nước thực hiện.
Cho địa phương được thẩm định chất lượng
Lâu nay một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm là công tác kiểm định chất lượng chung cư. Theo quy định tại Nghị định 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Sở Xây dựng phải tổ chức lập, thẩm định, dự toán kinh phí sửa chữa và ban hành văn bản kết luận kiểm định. Sau đó, UBND TP thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu chung cư, phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định và kinh phí sửa chữa.
Sở Xây dựng đánh giá nếu làm theo cách này sẽ rất chậm bởi việc xem xét hồ sơ, ban hành văn bản kết luận kiểm định 474 chung cư với 563 lô xây dựng trước năm 1975 đều tập trung hết về Sở. Như thế sẽ khó đáp ứng được yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2016 như chủ trương của Thành ủy đề ra. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất TP kiến nghị trung ương cho phép cơ quan chuyên môn của quận, huyện được ban hành văn bản kết luận kiểm định. Sở Xây dựng sẽ giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn quy trình để đảm bảo địa phương thực hiện đúng quy định.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP giao cho các quận, huyện thực hiện các công tác như lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây mới chung cư cũ; lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư…
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo gần như bỏ hoang từ nhiều năm nay nhưng TP.HCM vẫn chưa thể đập bỏ, xây mới. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đề xuất cho tăng quy mô dân số
Để thu hút các doanh nghiệp tham gia, Sở Xây dựng đề nghị TP giao quận, huyện phối hợp với Sở QH-KT rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch tại các vị trí chung cư cũ theo hướng cho phép tăng quy mô dân số. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP có cơ chế không thực hiện bồi thường mà sử dụng phương thức tái định cư tại chỗ đối với các chung cư do Nhà nước thực hiện.
Các đề xuất của Sở Xây dựng nhận được sự đồng thuận của đa số địa phương. Ông Lê Văn Khoa khẳng định TP sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền về cho các sở, ngành và địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Về cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý các kiến nghị của TP về việc đầu tư, cải tạo chung cư cũ nhưng hiện nay chưa có văn bản chính thức. Trong khi chờ đợi văn bản của Thủ tướng, chúng ta cần đánh giá về cách thức trước đây đã từng làm và đề xuất cách làm mới để tạo sự đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện” - ông Khoa chỉ đạo.
Vì sao chậm cải tạo chung cư cũ? Tại buổi tọa đàm Giải pháp cải tạo chung cư cũ do Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 11-6, có bốn nguyên nhân chính đã được chỉ rõ: - Vướng mắc lớn nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tình trạng phổ biến là một bộ phận người dân không đồng ý với phương án bồi thường, dù số đông đã đồng thuận dẫn đến dự án bị chững lại. - Chính quyền địa phương thiếu quyết liệt thực hiện. Tâm lý chung của các quận, huyện là ngại đụng chạm đến quyền lợi người dân sẽ gây khiếu nại. - Thủ tục hành chính cũng là yếu tố gây ảnh hưởng bởi một dự án trong trường hợp hoàn toàn suôn sẻ phải mất khoảng hai năm mới đủ điều kiện khởi công. - Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư do thủ tục khó khăn, thời gian bồi thường kéo dài, nhiều rủi ro… ___________________________________ 474 chung cư cũ của TP.HCM tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp… |