Tính sao để dân dễ rời chung cư cũ?

“Bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn quá, chúng tôi không dám tham gia” - đại diện của quỹ Dragon Capital bày tỏ như trên sau buổi tọa đàm “Giải pháp cải tạo chung cư cũ” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 11-6. Đó cũng là tâm tư, là vướng mắc lớn nhất của chương trình cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng vẫn có giải pháp.

Bồi thường một lần, tránh so bì

Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay quan tâm lớn nhất của người dân khi di dời giải tỏa là giá bồi thường, ở đâu, đến bao giờ. Những thắc mắc này phải được trả lời thỏa đáng, minh bạch, nhất quán thì dân mới tin.

Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, cho rằng nhiều mâu thuẫn từ chính sách bồi thường giải phóng, hỗ trợ tạm cư, tái định cư dẫn đến sự so bì trong người dân. Theo ông, phải thay đổi phương thức chi trả bồi thường cho người bị ảnh hưởng.

“Chủ đầu tư nhất định không “đi đêm” chi trả nhỏ lẻ, manh mún mà chi trả cùng một lúc, một chính sách và đồng loạt. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh của số đông với nhóm thiểu số không đồng thuận” - ông Lâm bày tỏ.

Ông Lâm cho biết chính sách công khai, minh bạch và nhất quán như trên đã giúp Đức Khải thành công với dự án chung cư cũ tại 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Trong vòng 30 ngày, đơn vị đã hoàn tất việc di dời, giải tỏa trong khi chủ đầu tư cũ vướng 16 năm.

Chung cư 727 nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM) đang xuống cấp trầm trọng, từng được mệnh danh là chung cư ma, chung cư hoang tàn nhất TP. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhà nước phải hỗ trợ

“Khi dự án đã đảm bảo hài hòa các lợi ích, công khai, minh bạch các hình thức cho người dân lựa chọn thì địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân với mốc thời gian tháo dỡ công trình cụ thể. Với một số nhỏ không chấp hành, Nhà nước phải áp dụng biện pháp hành chính để đảm bảo lợi ích chung” - ông Lâm đề nghị.

Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Nhà Bình Dân, cho rằng không bao giờ hy vọng đạt được sự đồng thuận của toàn bộ cư dân. Theo ông, khi bồi thường đã đạt được 80% thì có nghĩa đó đã là giá hợp lý, thỏa đáng nên đa số đã đồng ý. Với nhóm nhỏ còn lại không chấp thuận, Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện dự án. “Đúng ra giải tỏa chung cư cũ, chỉnh trang đô thị là trách nhiệm của Nhà nước, sau khi giải phóng mặt bằng thì doanh nghiệp tham gia xây dựng” - ông Tú nêu quan điểm.

Đảm bảo được lợi ích cư dân

Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, ông Phan Trường Sơn, cho hay mong muốn nhất của cư dân là tái định cư tại chỗ thay vì bồi thường bằng tiền. Ông ủng hộ quan điểm này.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Tú cho rằng vẫn nên duy trì phương pháp cho dân nhận tiền bồi thường, tự lo nơi ở. Người dân sẽ tự biết cân nhắc cách nào là phù hợp nhất cho mình.

Ông Phạm Ngọc Lâm đề xuất cả ba cách: Bồi thường dân tự lo nơi ở mới; tái định cư tại nơi ở khác hoặc tái định cư tại chỗ. Theo đó, nếu chọn bồi thường bằng tiền thì căn hộ cũ được tính ngang giá thị trường với diện tích tương đương của căn hộ mới cùng vị trí. Còn muốn chọn tái định cư nơi khác thì ngoài số tiền được nhận theo cách tính trên, cư dân được mua nhà trong quỹ nhà tái định cư của chủ đầu tư theo nguyên tắc giá bán bằng giá vốn cộng 10% lợi nhuận.

Trường hợp cư dân chọn tái định cư tại chỗ, ông Lâm đề xuất căn hộ cũ đổi ngang căn hộ mới (cùng diện tích, vị trí tương đương). Với phần diện tích dư ra do căn hộ mới lớn hơn căn hộ cũ, cư dân sẽ mua của chủ đầu tư theo nguyên tắc giá vốn cộng 10% lợi nhuận. Do chung cư mới tầng trệt dành làm trung tâm thương mại, phòng sinh hoạt cộng đồng… nên những căn hộ tại tầng trệt chung cư cũ sẽ được bố trí tại tầng tiếp theo và được hoán đổi 1 m2 căn hộ cũ bằng 1,25-1,5 m2 của căn hộ mới.

Hỗ trợ người dân vay ưu đãi mua nhà

Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Thành Phương, đặt vấn đề: Căn hộ chung cư cũ diện tích rất nhỏ, chừng 20-30 m2. Trong khi chung cư mới diện tích 40-60 m2. Phần dôi ra tính sao vì cư dân thường là nghèo?”.

Kiến trúc sư Võ Kim Cương cho hay phần chênh lệch phải “bán nhưng có chính sách tạo điều kiện cho người mua”.

Ông Phạm Ngọc Lâm đề xuất nếu diện tích cũ nhỏ hơn diện tích tối thiểu là 30 m2 thì cư dân được hỗ trợ phần diện tích chênh lệch này. Với phần diện tích lớn hơn 30 m2, cư dân được Nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi như nhà ở xã hội. Các căn hộ chưa được hợp thức hóa quyền sở hữu không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì Nhà nước hỗ trợ cho phép hợp thức hóa để cư dân được hưởng các chính sách trên.

___________________________________

Doanh nghiệp phải có tâm huyết

Muốn thực hiện các giải pháp cho dự án chung cư cũ, doanh nghiệp phải có năng lực, có kinh nghiệm, có quỹ nhà sẵn để bố trí tạm cư cho dân. Đặc biệt là sự tâm huyết với xã hội. Khi đó, họ cần được sự ủng hộ của dư luận, sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, thủ tục để thực hiện chương trình lớn của TP.

Ông PHẠM NGỌC LÂM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm