Năm 2025 chứng kiến một xu hướng rõ rệt là các tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư ra các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Sự dịch chuyển này không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quỹ đất mà còn là chiến lược phát triển dài hạn nhằm khai thác tiềm năng mới của thị trường.
Cuộc đua mở rộng cho nhiều nhà đầu tư
Vingroup là một trong những tập đoàn tiên phong trong làn sóng dịch chuyển này. Mới đây, tập đoàn này đã đề xuất đầu tư Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) tại TP Bắc Ninh với diện tích 270 ha, tổng vốn đầu tư hơn 44.500 tỉ đồng, tập trung vào phân khúc nhà ở thấp tầng, nhà ở xã hội và công trình hỗn hợp. Cùng với đó, Vingroup cũng bày tỏ quan tâm đến Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong tại Hậu Giang có quy mô gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 6,2 tỉ USD.
Không kém cạnh, Vinhomes – công ty con của Vingroup – cũng đang mở rộng mạnh mẽ. Hồi cuối năm 2024, doanh nghiệp này đã gửi văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư Khu đô thị mới quy mô 2.500 ha tại TP Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Yên Lạc. Trước đó, Vinhomes cũng liên danh với VIG để triển khai Khu đô thị Phước Vĩnh Tây (Long An) với tổng mức đầu tư hơn 80.079 tỉ đồng.
Một cái tên khác không thể không nhắc đến là Sun Group với kế hoạch đổ vốn hơn 28.200 tỉ đồng vào hai dự án tại Bắc Ninh. Dự án thứ nhất tại huyện Tiên Du có diện tích 296 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 17.180 tỉ đồng. Dự án thứ hai tại TP Từ Sơn (phường Tam Sơn, Tương Giang) có quy mô 191 ha với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng.

Bên cạnh các ông lớn kể trên, nhiều tập đoàn bất động sản khác cũng đang nhanh chóng mở rộng đầu tư ra các địa phương. Nam Long tập trung phát triển phân khu The Pearl tại Waterpoint (Long An), đồng thời chuẩn bị ra mắt dự án tại Đồng Nai và Hải Phòng. T&T Group thì vừa đề xuất nghiên cứu Khu đô thị thể thao và chăm sóc sức khỏe thông minh (1.340 ha) tại Bắc Ninh, đồng thời có kế hoạch phát triển các khu đô thị du lịch tại huyện Tiên Du.
Không chỉ có các khu đô thị lớn, nhiều doanh nghiệp còn tập trung vào bất động sản công nghiệp. Hòa Phát đang mở rộng các khu công nghiệp tại Hưng Yên, Hà Nam và Bắc Ninh trong khi Cát Tường Group đầu tư mạnh vào khu công nghiệp Aurora IP tại Nam Định.
Vì sao bất động sản đổ vốn về tỉnh?
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Quỹ đất tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, giá bất động sản ở mức cao khiến việc mở rộng đầu tư trở nên khó khăn. Trong khi đó, các tỉnh thành với quỹ đất rộng, giá mềm và hạ tầng phát triển đang tạo ra sức hút lớn đối với doanh nghiệp".
Bên cạnh giá đất, hạ tầng giao thông đang là yếu tố quyết định. Các tuyến cao tốc như Bắc - Nam, vành đai 4 Hà Nội, sân bay Long Thành giúp kết nối nhanh chóng giữa các địa phương với các đô thị lớn, từ đó tạo động lực cho bất động sản phát triển.
Thêm vào đó, chính sách giãn dân và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng tạo nhu cầu thực tế về nhà ở.
Việc các tập đoàn công nghệ, sản xuất đặt nhà máy tại Bắc Giang, Bắc Ninh hay Quảng Ninh kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở cho chuyên gia và công nhân. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu

Dù có tiềm năng nhưng thị trường tỉnh lẻ cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt về thanh khoản. Trước đây, không ít chủ đầu tư đã mắc kẹt với các dự án ở xa trung tâm khi không có đủ người mua.
"Bất động sản tỉnh chỉ thực sự sôi động khi có dòng vốn FDI mạnh, hạ tầng đồng bộ và lượng dân cư ổn định. Nếu không, các khu đô thị sẽ rơi vào tình trạng vắng bóng người ở" - TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia bất động sản cảnh báo.

Một yếu tố quan trọng khác là pháp lý. Một số dự án có thể gặp khó khăn do vướng quy hoạch hoặc chậm phê duyệt, dẫn đến tiến độ triển khai kéo dài. Ngoài ra, việc phát triển ồ ạt cũng có thể gây ra sốt đất cục bộ, ảnh hưởng đến thị trường chung.
Bất chấp những rủi ro, các doanh nghiệp lớn vẫn đổ vốn mạnh vào các địa phương. Theo TS Lê Bá Chí Nhân, điều này chủ yếu đến từ sự thay đổi trong chiến lược phát triển dài hạn. Các tập đoàn không chỉ bán sản phẩm mà còn tạo ra hệ sinh thái bền vững từ khu đô thị, trung tâm thương mại đến hệ thống tiện ích đi kèm. Đây là cách giúp họ giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng là yếu tố thúc đẩy các “ông lớn” về đầu tư. Các tỉnh thành đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp triển khai dự án nhanh chóng hơn.

Loạt dự án ngàn tỉ chính thức được giải cứu: Chủ đầu tư ‘thở phào’
(PLO)- Sau nhiều năm đình trệ do vướng mắc pháp lý, hàng loạt dự án bất động sản lớn đã được tháo gỡ nhờ Nghị quyết 170 của Quốc hội, mang lại niềm hy vọng cho chủ đầu tư và cư dân khi tiến trình cấp sổ hồng, bàn giao nhà sắp được khơi thông.