3 lỗi dẫn đến việc chậm trả CCCD gắn chip

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành nghị quyết về chủ trương chuyển đổi hàng ngàn hecta đất rừng, đất trồng lúa... để làm cao tốc Bắc - Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-7, tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 của QH.

Chậm trả CCCD gắn chip

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu ý kiến của cử tri về tình trạng chậm trả CCCD gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi. Ông đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp phát, trả CCCD sau khi công dân đã thực hiện thủ tục cấp CCCD.

Thông tin lại sau đó, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tính đến ngày 10-7, ngành đã cấp được trên 67 triệu CCCD, tuy nhiên trong quá trình cấp cũng phát sinh một số lỗi, dẫn đến chậm.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói về nguyên nhân chậm trả CCCD cho người dân và Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói về nguyên nhân chậm trả CCCD cho người dân và Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Thứ nhất, nhiều địa chỉ, số điện thoại của người đến làm CCCD bị sai nên khi khớp nối thông tin bị chậm. “Đây là điểm chúng ta đang khắc phục” - thứ trưởng Bộ Công an nói và cho biết việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ phía công an cũng như người khai báo.

Thứ hai, một số người dân giữa khai báo hồ sơ và thông tin hồ sơ, khai báo điện tử không đồng nhất, thông tin không “đúng, đủ, sạch” nên không nhập dữ liệu được. “Chúng tôi đang chỉnh lại và đây cũng là nguyên nhân khách quan” - Thượng tướng Tỏ nói.

Thứ ba, một số hồ sơ ở các địa phương khi nhập dữ liệu độ chính xác không cao nên khi Bộ Công an phân loại gặp khó khăn.

Để khắc phục những lỗi trên, thứ trưởng Bộ Công an đã nêu ra ba phương hướng. Cụ thể, yêu cầu công an các địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ, quy trình trình tự thủ tục; nâng cao hiệu quả công tác về giải quyết và tiếp nhận hồ sơ. Ngoài ra, tiếp tục thông báo đến các đơn vị, cá nhân có sai sót để đến cơ quan công an hướng dẫn thêm.

Lo lắng giá xăng dầu vẫn ở mức cao

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết cử tri hoan nghênh và đánh giá cao UBTVQH đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6-7 để xem xét, thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn theo đề nghị của Chính phủ. Việc này góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao, kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Từ đó, trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp bình ổn giá xăng dầu trong nước nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ tiếp tục có các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị... Ban Dân nguyện đề nghị cần khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đảm bảo thuốc điều trị cho người dân.

Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng một vấn đề nóng nổi lên thời gian qua là tình trạng cán bộ, nhân viên ngành y tế nghỉ việc rất nhiều nhưng việc này lại vắng bóng trong báo cáo. Bà Nga đề nghị báo cáo cần bổ sung nội dung này.

Đồng tình, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo dân nguyện cần thể hiện nội dung này. Ông cũng lưu ý báo cáo dân nguyện cần kiến nghị, đề xuất các ủy ban của QH “nên như thế nào” đối với các vấn đề nổi lên của xã hội.

“Cuối năm họp có báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, nếu không vào cuộc từ sớm thì lúc đó không có đầy đủ dữ liệu cho QH, các cơ quan của QH thẩm định một cách chính xác” - Chủ tịch QH nói.

Chuyển đổi hàng ngàn hecta đất rừng làm cao tốc Bắc - Nam

Cũng tại phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay phạm vi nghiên cứu của dự án dự kiến chuyển mục đích sử dụng rừng tại bảy tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với diện tích hơn 1.054 ha. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng gần 1.900 ha đất lâm nghiệp và 1.500 ha đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng với dự án này, QH đã tạo cơ chế thông thoáng để có thể rút ngắn các thủ tục đầu tư và bố trí nguồn lực trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đề nghị UBTVQH quyết định sớm chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án. Chỉ một ngày sau khi có nghị quyết của UBTVQH, Bộ GTVT sẽ phê duyệt dự án đầu tư.

Sau khi cho ý kiến, 100% ủy viên UBTVQH đã biểu quyết đồng ý ban hành nghị quyết, thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm