Bộ Công an giải trình với Thường vụ Quốc hội việc chậm trả căn cước công dân

(PLO)- Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nêu ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân ở một số nơi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-7, tại phiên họp thứ 13, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 của Quốc hội.

Chậm trả căn cước công dân gắn chíp

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình Bình nêu ý kiến của cử tri về tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi và đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp phát, trả thẻ căn cước công dân sau khi công dân đã thực hiện thủ tục cấp thẻ.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ. Ảnh: quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ. Ảnh: quochoi.vn

Thông tin lại sau đó, Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ cho biết tính ra đến ngày 10-7-2022, ngành đã cấp được trên 67 triệu căn cước công dân, tuy nhiên trong quá trình cấp cũng phát sinh một số lỗi, dẫn đến chậm.

Lỗi thứ nhất, theo ông Tỏ, nhiều người dân đến đăng ký sai địa chỉ và số điện thoại, thay đổi địa chỉ thường trú... dẫn tới khi khớp nối thông tin bị chậm. “Đây là điểm chúng ta đang khắc phục”- Thứ trưởng Bộ Công an nói và cho biết việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ phía công an cũng như từ người khai báo.

Lỗi thứ hai, một số người dân giữa khai báo hồ sơ và thông tin hồ sơ, khai báo điện tử không đồng nhất, thông tin không sạch, không đúng, không đủ, ngay lập tức không nhập được. “Cái này chúng tôi đang chỉnh lại và cũng là nguyên nhân khách quan”- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết.

Lỗi thứ ba, hồ sơ một số cơ quan các địa phương khi nhập dữ liệu tính chính xác không cao nên ở bước tiếp theo, khi phân loại, cũng gặp khó khăn.

Để khắc phục những lỗi trên, ông Tỏ cho biết Bộ Công an đã yêu cầu công an các địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ, quy trình trình tự thủ tục, từ đó nâng cao hiệu quả công tác về giải quyết và tiếp nhận hồ sơ. Đồng thời tiếp tục thông báo đến các đơn vị, cá nhân có sai sót để đến cơ quan công an hướng dẫn thêm.

Cử tri lo lắng về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

Đáng chú ý, ông Dương Thanh Bình cũng cho biết cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị.

Về việc này, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế sớm có các giải pháp khắc phục; khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30-4 và 1-5) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 528 sản phẩm thuốc, tổng giá trị các gói thầu là 8.890 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 7 sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu một vấn đề “nóng” thời gian qua là tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc rất nhiều nhưng việc này lại vắng bóng trong báo cáo. Vì vậy, bà Nga đề nghị báo cáo cần bổ sung nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Báo cáo dân nguyện cần thể hiện nội dung này. “Chính phủ cũng đã có những phản ứng tức thời và rất quyết liệt”- ông Huệ nói thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý báo cáo dân nguyện nên có kiến nghị đề xuất các Ủy ban của Quốc hội “nên như thế nào” đối với các vấn đề nổi lên của xã hội.

“Cuối năm họp có báo cáo thẩm tra về kinh tế- xã hội, nếu không vào cuộc từ sớm thì lúc đó không có đầy đủ dữ liệu cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thẩm định một cách chính xác”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban Dân Nguyện kiến nghị cả với các đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh thành nắm tình hình thực tế từ địa phương để kịp thời có giám sát.

“Bây giờ để tình trạng mua sắm các thứ không thực hiện được như thế, ngoài các cơ quan điều hành thì cũng có trách nhiệm của cơ quan giám sát”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải vào cuộc, giám sát, giải trình, điều trần để làm rõ các vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.