Ngày 3-6, Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng tổ chức hội thảo về truyền thông nguy cơ trong công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại TP Cần Thơ. Hội thảo nhằm trao đổi và cung cấp thông tin cho 20 cơ quan thông tấn, báo chí phía Nam về TCMR, theo dõi chăm sóc sức khỏe sau tiêm chủng.
BS Trương Hữu Khanh tại hội thảo ngày 3-6 tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: N.NAM
Tại cuộc hội thảo này, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Nhi đồng 1 TP.HCM), chủ tài khoản Facebook “hỏi bác sĩ nhi đồng” đã nói về cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, phát hiện những dấu hiệu bất thường và cách xử trí. Đây được xem là vấn đề nhiều gia đình có con nhỏ quan tâm.
Theo BS Khanh, có ba mốc thời gian quan trọng để theo dõi sau tiêm chủng đối với một em bé tại nhà mà gia đình nào cũng phải biết ngoài việc theo dõi 30 phút tại nơi tiêm. Khi về nhà, ba mốc thời gian đó là trong sáu giờ đầu, 12 giờ đầu và 24 giờ đầu. Các dấu hiệu cần theo dõi gồm toàn trạng cơ thể trẻ, nhịp thở, tinh thần, việc ăn, ngủ, nhiệt độ cơ thể, có phát ban hay không, biểu hiện tại chỗ tiêm…
BS Khanh cho biết bất kỳ đứa trẻ nào sau tiêm chủng đều có phản ứng thông thường với vaccine như trên, mà nói như người miền Nam là vaccine “hành”. Theo đó, các biểu hiện “hành” tại chỗ tiêm như ngứa, đau, sưng và (hoặc) đỏ. Biểu hiện ở toàn thân như sốt, khó chịu, mệt mỏi, chán năn. BS Khanh cho biết đây này là những dấu hiệu không lạ, không hiếm và sẽ tự khỏi nên các bà mẹ không nên quá lo lắng.
Cách xử trí đối với các phản ứng thông thường là chườm lạnh tại vị trí tiêm nếu có dấu hiệu sưng đau gây khó chịu cho bé. Bé sốt dưới 38 độ C thì cho bú nhiều, uống đủ nước, sốt trên 38 độ C thì cho uống thuốc hạ sốt và lau mát. Nếu bé phát ban ngay sau tiêm hoặc 12 giờ sau tiêm thì cho đi viện khám ngay vì có thể là tiền chứng của sốc phản vệ.
Nếu qua 24 giờ và sau 48 giờ (tức hai ngày) mà đứa trẻ có biểu hiện nặng phải đưa đi bệnh viện thì có thể xem là bé bị bệnh chứ không phải do vaccine. Trường hợp nghi ngờ nặng như những biểu hiện dưới đây thì phải đưa trẻ tới bệnh viện để khám ngay như khó thở, ngưng thở; sốt cao khó hạ; co giật, khóc kéo dài, tím tái, toàn thân mềm nhũn, vị trí tiêm đỏ nhiều, sưng phù lan ra xung quanh…
Vị bác sĩ này nói vui: “Chích vaccine giống như tập trận. Nếu không tập thì sao đánh được vi trùng? Và đã “tập” thì sao tránh khỏi “mệt”?”.
“Có người mẹ hỏi tôi chích vaccine có an toàn không? Tôi nói càng ngày càng an toàn” - BS Khanh kể.