3 năm trời đòi ủy ban trả 2 bộ cổng sắt

Trước đây gia đình ông Trương Văn Kiệt nhận chuyển nhượng hai lô đất để làm nơi sản xuất gốm sứ và mở con hẻm nội bộ để tiện việc sản xuất. Cạnh nhà ông là đất của bà H. có xây phòng trọ cho thuê và họ sử dụng con hẻm này đi ra đường lớn. Thấy vậy ông Kiệt liền làm cổng rào bằng sắt khóa lối đi này lại khiến hai bên tranh chấp. Bà H. làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Thuận An (nay là thị xã Thuận An), Bình Dương.

10 năm mới thắng kiện

Tháng 7-2003, chủ tịch UBND huyện Thuận An ra quyết định công nhận khiếu nại của bà H., buộc ông Kiệt phải tháo dỡ cổng rào chắn hẻm để làm lối đi chung. Ông Kiệt khiếu nại thì bị bác. Cuối năm 2003, ông Kiệt khởi kiện yêu cầu hủy quyết định trên. Lần lượt tòa sơ thẩm và phúc thẩm bác đơn, buộc ông Kiệt tháo dỡ cổng rào chắn và khôi phục khu đất tranh chấp để làm lối đi chung. Ông Kiệt gửi đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm.

Sau khi án có hiệu lực, năm 2004, UBND huyện thực hiện cưỡng chế tháo dỡ cổng rào của ông Kiệt đem đi. Ông Kiệt làm lại bộ cổng khác thì cũng bị cưỡng chế tiếp. Hai bộ cổng rào bị cưỡng chế được UBND huyện giao cho UBND phường Thuận Giao lưu giữ.

Năm 2007, ông Kiệt mất nên những người thừa kế của ông ủy quyền cho ông Trương Xuân Hòa (em trai ông Kiệt) tiếp tục theo vụ kiện.

Năm 2011, chánh án TAND Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. Sau đó Tòa Hành chính TAND Tối cao ra quyết định tái thẩm, hủy cả hai bản án trên để xử lại. Xử sơ thẩm lại, TAND thị xã Thuận An tiếp tục bác đơn của ông Hòa. Bản án này bị TAND tỉnh hủy vì vi phạm tố tụng, trả hồ sơ cho tòa sơ thẩm xử lại. Nhưng cuối năm 2013, Tòa Hành chính TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm lần hai, yêu cầu TAND tỉnh xử phúc thẩm lại.

Ngày 30-5-2014, TAND tỉnh xử phúc thẩm lần ba cho rằng diện tích con hẻm thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình ông Kiệt và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Do đó, tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Chủ tịch UBND huyện ra quyết định giải quyết là không đúng thẩm quyền, không có căn cứ. Từ đó tòa chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy quyết định của ủy ban thị xã.

Ông

Trương Xuân Hòa trình bày sự việc tại  báo

Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: KP

Án có hiệu lực, phải thi hành

Sau đó, ông Hòa yêu cầu phía ủy ban thi hành án (THA) bằng cách trả lại ông hai bộ cổng rào đã thu giữ và lắp lại như hiện trạng cũ. “Chúng tôi luôn mong chờ được lắp lại cổng rào để gia đình tôi yên tâm sản xuất. Vậy mà đến nay đã hơn ba năm gia đình vẫn chưa được trả lại cổng rào” - ông Hòa nói.

Nhận được đơn của ông Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan trả lời cho đương sự và báo kết quả.

Ngày 13-1-2017, UBND thị xã Thuận An có công văn trả lời, cho biết chưa THA vì đang chờ kiến nghị giám đốc thẩm. Vì phía ủy ban thấy vụ án có nhiều tình tiết không đúng thực tế khách quan. Theo ủy ban, khi ông Kiệt mất thì chỉ những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng ở hàng thừa kế thứ nhất mới có quyền khởi kiện. Ông Hòa chỉ được kiện khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất của ông Kiệt…

Tuy nhiên, trong văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, VKSND tỉnh khẳng định việc UBND thị xã giải quyết tranh chấp trên là trái pháp luật vì sai thẩm quyền. Việc ông Hòa tham gia vụ án với tư cách là đại diện ủy quyền của những người thừa kế, quyền nghĩa vụ tố tụng hành chính của vợ và các con ông Kiệt cũng đúng pháp luật.

Ngày 24-2, Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng có văn bản cho rằng khi TAND tỉnh xử phúc thẩm tuyên hủy quyết định hành chính thì văn bản này không còn giá trị pháp lý nữa. Việc UBND thị xã Thuận An kiến nghị giám thốc thẩm là quyền của ủy ban, còn bản án có hiệu lực thì ủy ban phải có trách nhiệm thi hành.

Còn Sở Tư pháp tỉnh thì dẫn các quy định của Luật Tố tụng hành chính để cho rằng nếu bản án không bị hoãn THA hoặc tạm đình chỉ THA thì phía ủy ban phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Cổng rào đã mất

Ngày 5-6 vừa qua, UBND thị xã Thuận An có công văn gửi chủ tịch UBND phường Thuận Giao (cơ quan đang giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của gia đình ông Hòa gồm hai cánh cửa sắt, mỗi cánh kích thước 2,8 x 2,3 m, một xích dây và một ổ khóa), yêu cầu phải trả lại cho gia đình ông.

theo ông Hòa, đại diện UBND phường cho biết hiện hay cổng rào đã không còn nên không thể trả lại. UBND phường sẽ có báo cáo lên UBND thị xã để xin ý kiến. Cũng theo ông Hòa, phía ủy ban có nói miệng với ông là gia đình ông cứ tự lắp cổng rào rồi tính chi phí sau.

UBND thị xã nói gì?

Ngày 30-6, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, để tìm hiểu vụ việc. Ông Châu cho biết ông Hòa đòi lại cổng sắt thì UBND thị xã đã chỉ đạo phường trả lại theo đúng tinh thần bản án. do vụ việc này khá dài dòng nên cơ quan này sẽ tiếp và cung cấp hồ sơ cho PV sau.

VŨ HỘI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm