Ngày 26-12, BSCKI Lê Tiến Hưng, Trưởng đơn nguyên Can thiệp, điện quang can thiệp, Bệnh viện (BV) Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), cho biết mới cứu sống bệnh nhân 52 tuổi, trú tại Đông Triều - Quảng Ninh, tiền sử lao phổi từ 4 năm trước, bất ngờ ho ra 500 ml máu tươi trong 3 ngày.
Kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, hình ảnh CT Scanner ngực cho thấy bệnh nhân có tổn thương giãn động mạch phế quản hai bên phổi, kèm dịch khoang màng phổi trái, có thiếu máu.
BS chẩn đoán bệnh nhân ho ra máu do giãn động mạch phế quản trên nền lao phổi cũ. Đây là biến chứng nặng, tỉ lệ tái phát cao. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu.
|
Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt. |
Các BS đã can thiệp nút mạch cấp cứu xử trí tình trạng ho ra máu cho bệnh nhân. Dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, BS điện quang can thiệp đã xử trí nút tắc các nhánh động mạch phế quản bị tổn thương, kiểm soát và chấm dứt tình trạng ho ra máu cho người bệnh.
Ca can thiệp diễn ra thuận lợi sau 30 phút thực hiện. Bệnh nhân được chuyển điều trị nội khoa tại Khoa Nội hô hấp – BV Bãi Cháy để ngăn chặn và dự phòng tái phát ho ra máu. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt.
Theo BSCKI Lê Tiến Hưng, tùy vào mức độ ho ra máu mà các BS có phương án điều trị phù hợp. Trước đây, nếu ho ra máu kéo dài, tái phát nhiều lần, bệnh nhân phải nội soi phế quản cầm máu. Trong trường hợp nặng buộc phải phẫu thuật cắt thùy phổi tổn thương và dùng kẹp cầm máu động mạch phế quản... Phương pháp phẫu thuật sẽ khiến bệnh nhân hồi phục chậm, thời gian điều trị dài ngày, nguy cơ tai biến cao.
BS khuyên người bệnh nếu bị ho ra máu, dù số lượng ít hay nhiều cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời, đề phòng diễn biến đột ngột, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được...