Hôm nay (28-12), Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo 30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường.
Tham gia hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Dương), PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường), ThS Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường), PGS-TS. Phan Trung Hiền (Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ); PGS-TS Doãn Hồng Nhung (Trường ĐH Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội),...
Về phía nhà trường, có sự tham gia TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM), PGS-TS Hà Thị Thanh Bình (Trưởng khoa Luật Thương Mại, Trường ĐH Luật TP.HCM), TS-GVC Võ Trung Tín (Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương Mại, Trường ĐH Luật TP.HCM)...
Phát biểu khai mạc, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) nói: "Trải qua 30 năm thi hành, Luật Bảo vệ môi trường đã tạo hành lang pháp lý bảo vệ môi trường. Hội thảo hôm nay nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đánh giá, làm rõ những thành tựu, thách thức trong việc thực thi các Luật Bảo vệ môi trường trong 30 năm qua. Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Theo TS Sơn, hội thảo đã nhận được đông đảo sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và đã nhận được 33 bài tham luận từ các tác giả là những nhà nghiên cứu, thực tiễn và quản lý nhà nước. Sau khi chọn lọc đã chọn ra 27 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu.
Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Hữu Nghị (Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, nguyên NCV Viện Nhà nước và Pháp luật, GV Trường Đại học Công Nghệ TP.HCM) trình bày tham luận về phạm vi điều chỉnh của các Luật Bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay: "Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1993 tính đến nay đã tròn 30 năm. Sau Luật bảo vệ môi trường năm 1993, Quốc hội lần lượt thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của pháp luật môi trường trong 30 năm qua".
Nhận xét về phạm vi, nội dung điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, PGS-TS Nghị cho rằng Luật năm 2020 được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác...
Từ việc tìm hiểu phạm vi điều chỉnh, nội dung điều chỉnh của các luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay, PGS-TS Nghị cho rằng phạm vi điều chỉnh của luật bảo vệ môi trường ngày càng được mở rộng. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới.
Theo PGS-TS Nghị, lý do phạm vi điều chỉnh, nội dung điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường ngày càng mở rộng là các vấn đề về môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng và ngày càng trở nên cấp bách đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, cản trở việc bảo đảm quyền con người sống trong môi trường. Vì vậy, cần phải có chính sách pháp luật môi trường phù hợp để giải quyết...
Cạnh đó, theo PGS-TS Nghị, vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, giải quyết vấn đề môi trường cần sự tham gia của toàn nhân loại, của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cần chuyển hóa, ghi nhận các cam kết về bảo vệ môi trường vào trong hệ thống pháp luật quốc gia và tham gia tích cực vào các cơ chế toàn cầu và khu vực...