Thiếu sắt trong cơ thể có thể dẫn đến lượng hồng cầu thấp bất thường vì sắt cần thiết để tạo ra hemoglobin, một loại protein trong hồng cầu. Nếu không có đủ hemoglobin, các mô và cơ không thể nhận đủ lượng oxy cần thiết và hoạt động hiệu quả dẫn đến thiếu máu, theo Indian Express Limited.
Cục Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm (FSSAI) gần đây đã chia sẻ một số thủ thuật hữu ích để ngăn chặn tình trạng thiếu sắt trong cơ thể, như một phần của Poshan Maah 2020. “Thiếu sắt thường xảy ra nhất trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và thời thơ ấu”, tổ chức này viết trên trang Twitter của họ.
Bổ sung những thực phẩm giàu chất sắt như cua biển, tôm, cá thu, trai, hàu, cá mòi... để bổ sung chất sắt cho cơ thể. Ảnh: NHẬT LINH
Làm thế nào để tránh thiếu sắt
Dưới đây là một số mẹo mà FSSAI đề xuất:
- Chuẩn bị bữa ăn bằng thực phẩm tăng cường chất sắt
- Tránh uống trà và cà phê trong bữa ăn
- Ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất sắt
- Tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn để hấp thu chất sắt tốt hơn
Các triệu chứng của thiếu sắt
Bộ trưởng Y tế Liên hiệp, tiến sĩ Harsh Vardhan đã chỉ ra một số triệu chứng của thiếu sắt như: mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh và tóc rụng.
Ông khuyên: “Để chống lại các triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt (IDA) bằng cách tiêu thụ các thực phẩm được tăng cường như gạo, bột mì và muối tăng cường kép, chúng rất giàu chất sắt.”
Thực phẩm giàu chất sắt
Theo redcrossblood.org, thực phẩm chứa sắt có 2 loại: sắt heme và sắt non-heme. Sắt heme được tìm thấy trong thịt, cá, gia cầm và được cơ thể hấp thụ dễ dàng nhất. Mặt khác, sắt non-heme được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau và các loại hạt nhưng chỉ có 2 đến 10% lượng sắt tiêu thụ được hấp thụ. Thực phẩm giàu vitamin C cũng có thể giúp hấp thu sắt tốt hơn, tuy nhiên nó không phải heme, theo Indian Express Limited.