Một trong những người may mắn thoát nạn sau chuyến đi biển định mệnh, ông Trần Theo (56 tuổi) kể lại ông cùng 14 ngư dân trên tàu BTh 97478 TS do ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi) làm thuyền trưởng xuất bến tại cảng Phan Thiết ngày 21-6. Tàu hành nghề tại khu vực biển Trường Sa - DK1.
|
Ngư dân Trần Thuận Thanh sức khỏe yếu nên được đưa đến bệnh viện điều trị. |
Dùng áo hứng nước mưa cầm hơi
Đến 5 giờ ngày 10-7, tàu trên đường về lại cảng Phan Thiết thì bị sóng đánh chìm.
Theo ông Theo, sóng lớn ập vào làm con tàu chìm nhanh chóng. Các ngư dân chỉ kịp nhảy xuống hai chiếc thuyền thúng, không kịp mang theo bất cứ vật dụng hay thực phẩm, nước uống nào.
Ông Theo đi trên thuyền thúng bảy người, thuyền thúng còn lại có tám ngư dân vẫn đang mất tích.
Ngư dân này kể các ngư dân trôi dạt trên biển chỉ biết lấy áo hứng nước mưa uống và cầu nguyện có tàu đi ngang phát hiện cứu giúp. Nhiều lúc họ phải uống nước biển để cầm hơi.
Sau một tuần lênh đênh trên biển, ba người bạn thuyền không chịu nổi đói, khát và lạnh đã kiệt sức, tử vong. Thuyền thúng chật, những người còn sống đành ngậm ngùi bó bạn thuyền lại rồi thả xuống biển.
Ngư dân Nguyễn Thành Luyến mắt đỏ hoe cho hay anh đã mất ba người thân trong chuyến đi biển định mệnh này. Anh Luyến may mắn thoát nạn nhưng hai người anh và chú ruột lần lượt tử vong vì kiệt sức.
“Thuyền thúng nhỏ và liên tục gặp lốc gió. Chúng tôi đành bó thi thể người thân lại, cầu nguyện rồi thả xuống biển” - anh Luyến đau đớn kể.
Các ngư dân kể những ngày cùng nhau ngồi trên thuyền thúng liên tục gặp những đợt sóng lớn. Chiếc thuyền thúng nhỏ liên tục hứng chịu những cơn sóng lớn, rung lắc. Các ngư dân phải động viên nhau bằng cách tát nước vào mặt nhau để tỉnh táo.
Khoảng thời gian này, các ngư dân gặp một số tàu lớn đi ngang. Họ cố gắng la hét, ra tín hiệu nhưng bất thành. Có một tàu nước ngoài đã hỗ trợ họ một ít lương thực và nước uống.
“Chúng tôi chỉ biết cố giữ bình tĩnh, không nản chí để buông xuôi. Chúng tôi cầu nguyện có tàu đi ngang qua sẽ phát hiện và cứu sống” - ông Theo nói.
|
Lực lượng chức năng tặng quà cho các ngư dân thoát nạn. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Ngày thứ chín kỳ diệu
Đến ngày thứ chín, lương thực, nước uống được hỗ trợ đã hết. Các ngư dân tưởng như đã buông xuôi thì điều kỳ diệu đã đến.
Khoảng 13 giờ ngày 19-7, tàu cá BĐ 96935 TS (Bình Định) của ông Lê Thanh Toàn (38 tuổi) vớt được bốn người còn sống trên chiếc thuyền thúng.
Bốn ngư dân Trần Theo (56 tuổi), Hà Văn Tấn (46 tuổi), Nguyễn Thành Luyến (37 tuổi), Trần Thuận Thanh (55 tuổi) được cứu vớt tại tọa độ 10o31N - 113o04E, cách nơi tàu chìm 240 hải lý về phía đông đông bắc.
Chiều 21-7, tàu Cảnh sát biển (CSB) 7011 thuộc Hải đoàn 32 Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã đưa bốn ngư dân Bình Thuận bị nạn vào đất liền cấp cứu.
Trước đó, nhận được lệnh từ Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3, tàu CSB 7011 đã đến vị trí tàu BĐ 96935 TS để đưa bốn ngư dân về bờ.
Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã chỉ đạo tàu CSB 7011 cử tổ quân y sang tàu cá BĐ 96935 TS để cấp cứu, chăm sóc y tế, sức khỏe cho các ngư dân. Đồng thời cùng với tàu BĐ 96935 TS đưa các thuyền viên bị nạn về đất liền để cấp cứu.
Đến 9 giờ ngày 21-7, tàu CSB 7011 tiếp nhận bốn thuyền viên bị nạn từ tàu cá BĐ 96935 TS ở khu vực phía đông hòn Chà Là khoảng 12 hải lý và đưa về Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 tại thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Sức khỏe các ngư dân hiện đã ổn định, riêng ngư dân Trần Thuận Thanh bị suy kiệt được đưa về BV đa khoa khu vực Ninh Hòa điều trị.
Hai máy bay tiếp tục tìm kiếm ngư dân mất tích
Đại úy Lê Khánh Hải, thuyền trưởng tàu CSB 7011, cho biết tàu CSB đã chuẩn bị lương thực, thuốc men khẩn trương lên đường đến vị trí tàu cá BĐ 96935 TS để cấp cứu cho các ngư dân bị nạn.
Đại úy Hải cho biết hiện nay tại hiện trường tàu cá BTh 97478 TS bị nạn, hai máy bay cùng nhiều tàu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các ngư dân mất tích.
Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 20-7, máy bay DHC.6 số hiệu 773 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, quân chủng Hải quân đã cất cánh từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tám thuyền viên đang mất tích trên biển.