Từ ngày 26-11 đến nay, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai đã có mưa to đến rất to. Một số nơi tổng lượng mưa lên tới 800mm, gây ngập lụt trên diện rộng.
Mưa to khiến mực nước các sông lên cao. Trong khi đó, hầu hết các hồ chứa trong khu vực đã đầy nước, một số hồ đã điều tiết xả tràn theo quy trình.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 18 giờ chiều 30-11, Bình Định đã có hơn 23.600 nhà bị ngập, 437 hộ với 1.070 người dân phải sơ tán.
Nhiều tuyến đường trên quốc lộ 14H, 40B, đông Trường Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Nam bị ngập, sạt lở.
Tại Bình Định, tuyến tránh An Nhơn trên quốc lộ 1 ngập cục bộ. Tại Phú Yên, quốc lộ 29, 27, 19C, đường tỉnh 641, 642, 645 bị ngập.
Ngập lụt tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Mưa lũ cũng làm hơn 640ha lúa, gần 200ha hoa màu bị ngập; 4.700 con gia cầm bị chết.
Đặc biệt, đã có bốn người thiệt mạng trong đợt mưa lũ này, trong đó Kon Tum một người, Bình Định ba người.
Dự báo mưa lớn còn tiếp tục diễn ra trong khu vực. Lượng mưa trong ngày 30-11 tại các tỉnh từ Quảng Nam - Khánh Hòa, Gia Lai phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Trước tình hình trên, chiều 30-11, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có công điện yêu cầu các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Công điện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân.
Đặc biệt, đối với khu vực đang bị ngập sâu, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, công điện yêu cầu các tỉnh rà soát để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân. Trong đó địa phương tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn với dịch Covid-19.
Tại khu vực ngập sâu, chia cắt, các tỉnh đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để người dân thiếu đói, nước uống.
Với những hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, công điện yêu cầu các tỉnh bố trí lực lượng thường trực, có phương án vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và tham gia cắt lũ cho hạ du.
Những khu vực đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy siết địa phương bố trí lực lượng canh gác, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo giao thông an toàn.
Sau khi lũ rút, đề nghị các tỉnh tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống cho người dân.