4 sếp doanh nghiệp 'mách nước' cho sinh viên đàm phán lương tốt

Bốn cựu sinh viên của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) hiện là CEO tại các doanh nghiệp (DN) đã cùng làm diễn giả cho chương trình Đối thoại cùng CEO - Chủ đề: Hành trình tuổi 20 do Trường Đại học Công nghệ TP.HCM- HUTECH tổ chức ngày 16-10. 

Chủ đề được quan tâm nhất trong chương trình là cách để các ứng viên đàm phán có được mức lương tốt khi đi xin việc.

Các CEO chỉ ra một số ứng viên đưa ra mức lương khiêm tốn vì cho rằng lương là vấn đề "nhạy cảm", thế nhưng chính nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao các ứng viên này.

Mở đầu, ông Kiều Minh Long - CEO Ngân hàng HDBank Chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, bật mí việc đưa ra mức lương tốt là tôn trọng sức lao động mình bỏ ra. Ứng viên cũng có thể hỏi lại nhà tuyển dụng mức lương họ sẽ trả để tăng tính tương tác, đàm phán giữa hai bên.

Từ đó, vị CEO này chỉ ra một số kĩ năng để trả lời câu hỏi nhà tuyển dụng về tiền lương.

Thứ nhất nếu ứng viên không tìm hiểu kĩ thị trường, vị trí tuyển dụng sẽ rất khó đưa ra mức lương cụ thể. Bởi thế một số ứng viên đưa ra mức lương quá cao hoặc quá khiêm tốn theo kiểu có việc là được.

Sinh viên nhờ các vị CEO hướng dẫn trả lời trước đề xuất mức lương từ nhà tuyển dụng. Ảnh: CTV

Thứ hai khi đưa ra mức lương cao nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu sâu hơn về khả năng bạn có những gì và cách thức gì để nhận mức lương đó.

Với câu hỏi này ứng viên cần chuẩn bị các tình uống, khả năng của mình để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mức độ đóng góp và đáp ứng trong công việc.

Đồng quan điểm, ông Phan Sĩ Thắng Lợi – Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn AZA, cho rằng đây là dịp để ứng viên thể hiện sức lao động, kĩ năng nghề nghiệp nhằm thuyết phục nhà tuyển dụng. Còn phía DN cũng qua sàng lọc để tiếp nhận nhân viên phù hợp nhu cầu công ty và khả năng trả lương của họ.

Với các công ty nước ngoài, ứng viên cần chuẩn bị vốn ngoại ngữ, khả năng sẵn sàng đi công tác xa thay vì chỉ muốn “sáng đi tối về”.

TS. Kiều Tuân, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng không có sinh viên thành công thì không có trường đại học thành công. Ảnh: CTV

Để giúp sinh viên sớm nắm bắt cơ hội, lập thân lập nghiệp, từ kinh nghiệm bản thân, CEO Công ty COG Lê Xuân Thạo, chia sẻ bản thân ông là người không thông minh nhưng rất cần cù ngay từ ngày đầu tiên đi làm đến tận bây giờ.

Ông thậm chí còn đi sớm về muộn và làm thay một số công việc cho đồng nghiệp khi họ nhờ hỗ trợ. Đức tính này cộng với sự mạnh dạn đặt câu hỏi đề cùng đồng nghiệp, lãnh đạo công ty bàn bạc, tháo gỡ khó khăn đã giúp ông nhanh chóng thành công ở nhiều vị trí. 

Ông Huỳnh Quang Tú – CEO Công ty CP Giải pháp và Phát triển Doanh nghiệp Việt, lưu ý để có định hướng rõ ràng và thành công, sinh viên phải thực học.

Trong đó bao gồm kiến thức chuyên môn, kĩ năng mềm như các hoạt động thiện nguyện, đội nhóm... để khi ứng tuyển có thêm điểm cộng thuyết phục nhà tuyển dụng.

TS. Kiều Tuân - Chủ tịch Hội đồng trường HUTECH, nhìn nhận không có sinh viên thành công thì không có đại học thành công. Như vậy, nhà trường không chỉ dạy chuyên môn mà cao hơn đó là đào tạo để sinh viên có thể thành danh, làm chủ cuộc đời mình, làm chủ đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm