Sáng 27-9, Bộ GTVT và các địa phương đã họp, thống nhất các thông tin liên quan đến dự án đường vành đai 4 và kết quả thực hiện dự án đường vành đai 3. Tại đây, các địa phương mong muốn sớm được thực hiện dự án đường vành đai 4 để tăng cường kết nối vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đường vành đai 3 bám vững tiến độ
Về tiến độ dự án đường vành đai 3, các địa phương đều cho rằng dự án đã khởi công đúng tiến độ, riêng giải phóng mặt bằng, một số nơi vượt kế hoạch đề ra. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết đến nay tổng mặt bằng ở TP.HCM đã đạt hơn 94% mặt bằng để thực hiện dự án.
Hiện các gói thầu còn lại đang tiếp tục đấu thầu, sẵn sàng khởi công những gói thầu còn lại trong năm 2023. Tuy nhiên, đối với nguồn cát phục vụ dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ông Phúc kiến nghị Bộ GTVT và Bộ TN&MT điều phối để đảm bảo nguồn vật liệu này.
Đây cũng là vướng mắc của tỉnh Long An. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã có 98% mặt bằng để phục vụ dự án này. “Long An kiến nghị thêm phương án dự trù để cung cấp vật liệu cho dự án đường vành đai 3. Nguồn cát mà khó khăn thì dự án sẽ bị chậm lại. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị các phương án phụ để đảm bảo tiến độ dự án, tránh chỉ theo một khuôn nhất định” - ông Út nói.
Ngoài ra, theo ông Út, dự án đường vành đai 4 cũng vô cùng quan trọng với tỉnh Long An và các địa phương có liên quan. Vì vậy, tỉnh Long An mong muốn sớm khởi động dự án này để đảm bảo liên kết vùng, kết nối hiệu quả các địa phương.
Mong làm đường vành đai 4 như đường vành đai 3
Liên quan đến dự án đường vành đai 4, mới đây các địa phương có dự án đường vành đai 4 đi qua đã tổ chức cuộc họp về việc triển khai dự án này. TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT để trình bày về dự án đường vành đai 4. TP.HCM không vướng về nguồn vốn làm đường vành đai 4, tuy nhiên chủ trương đầu tư hiện nay chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết dự án đường vành đai 4 đã được địa phương nghiên cứu tiền khả thi. Hiện địa phương còn lúng túng về mặt thẩm quyền, trường hợp triển khai cần hơn 46.000 tỉ đồng để làm dự án, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 18.000 tỉ đồng. Trong khi tỉnh Long An mỗi năm chỉ có 1.000-2.000 tỉ đồng để phục vụ công tác này.
Đường vành đai 4 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, liên kết vùng.
“Các địa phương cần tổng hợp toàn bộ thông tin về tuyến đường vành đai 4 và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương thức triển khai. Đây là tuyến tổng thể quốc gia nên cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương. Chúng ta có thể làm dự án đường vành đai 4 như đường vành đai 3” - ông Út kiến nghị.
Chủ tịch tỉnh Long An thống nhất để TP.HCM tổng hợp, thống nhất thông tin để trình Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ dự án này. Tương tự, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tỉnh đã chủ động lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4. Tuy nhiên, hiện các địa phương chưa thống nhất về quy mô mặt cắt ngang của dự án. Tỉnh này kiến nghị Bộ GTVT với vai trò điều phối để thống nhất, hướng dẫn cho các địa phương triển khai nhanh, đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết Chính phủ có giao cho TP.HCM là cơ quan đầu mối tập hợp, báo cáo thông tin này tới Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, các địa phương đã thống nhất được dự thảo kế hoạch triển khai sẽ có tổ công tác triển khai dự án đường vành đai 4. Dự kiến các dự án sẽ chia theo các địa phương để triển khai đầu tư.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết hiện nay quy hoạch đường vành đai 4 đã được tích hợp vào Quyết định 1454/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án có chiều dài gần 200 km với tám làn xe, có đường song hành và bề rộng hơn 74 km.
Dự án đi qua các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM . Trong đó, tỉnh Long An có phạm vi đi qua lớn nhất với 71 km, TP.HCM dài 17 km, Đồng Nai dài 45 km, Bình Dương dài 49 km và Bà Rịa-Vũng Tàu dài 18 km.
Ông Tuấn cho biết một số địa phương có đề nghị điều chỉnh cục bộ hướng tuyến dự án đường vành đai 4. Trường hợp các địa phương có đề xuất cần phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật, điều chỉnh hướng tuyến của dự án này.
“Đường vành đai 4 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, liên kết vùng. Vì vậy, tôi mong các địa phương cùng thống nhất, phối hợp để dự án được cập nhật, điều chỉnh nhanh, phù hợp. Bộ cũng đang lên kế hoạch chi tiết để triển khai dự án này trình Chính phủ trong thời gian tới” - Thứ trưởng Tuấn nói.•
TP.HCM quyết định nắn tuyến đường vành đai 4
Mới đây, UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai 4 và giao Sở GTVT TP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Với phương án tuyến mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất, UBND TP.HCM đã chấp thuận về mặt chủ trương đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai 4 đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) thuộc dự án đường vành đai.
Theo đó, hướng tuyến đi về phía đông nam (phía trái) so với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Phương án này sẽ hạn chế ảnh hưởng các đồ án quy hoạch đã thực hiện, cũng như hạn chế ảnh hưởng tới Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.
Phương án này có chi phí đầu tư xây dựng thấp hơn phương án 1 từ gần 24.500 tỉ đến hơn 36.500 tỉ đồng. Khối lượng giải phóng mặt bằng thấp hơn nhiều sẽ thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư và bố trí vốn ngân sách.