Bộ GTVT vừa chấp thuận điều chỉnh giá vé tại 44 dự án BOT với tổng số 47 trạm thu phí. Song song đó, giao Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định.
Ba doanh nghiệp kiến nghị không tăng phí
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị tổ chức họp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thống nhất việc điều chỉnh giá vé.
Theo đánh giá tác động của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2%-1,4% so với trước khi tăng giá vé BOT. Việc điều chỉnh này chỉ làm tăng giá cước vận tải khoảng 0,2%-1,4% nên dự kiến sẽ tác động không đáng kể đến CPI.
Tại đây, có ba nhà đầu tư kiến nghị không điều chỉnh tăng giá vé gồm trạm Cù Mông thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km1747 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn thuộc tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Như vậy, còn lại 41/44 dự án BOT thực hiện điều chỉnh giá.
Trên cơ sở này, Cục ĐBVN yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sau khi hoàn thiện thủ tục điều chỉnh giá vé, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ đúng mức giá, đúng thời điểm, thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định.
Về lý do điều chỉnh giá vé vào thời điểm này, Cục ĐBVN cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, trong thời gian ba năm các dự án được điều chỉnh tăng giá một lần với mức tăng là 6%/năm. Năm 2019-2022, hầu hết các dự án tới kỳ điều chỉnh giá theo hợp đồng, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng giá lần hai nhưng vẫn chưa được tăng giá. Điều này ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Cạnh đó, với lưu lượng xe hiện nay, nếu không điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, chỉ 16 dự án có mức doanh thu đạt trên 75% theo phương án tài chính tại hợp đồng dự án. Tuy nhiên, nếu tăng giá, số lượng dự án đạt doanh thu trên 75% theo phương án tài chính là 26 dự án. Như vậy, ngay cả khi các dự án BOT được điều chỉnh giá vé thì doanh thu các dự án cũng không đạt 100% theo phương án đã được xây dựng.
Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị và có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT.
Theo Cục ĐBVN, dự kiến thời gian điều chỉnh giá vé từ 0 giờ ngày 29-12, với mức tăng tùy theo từng dự án.
Chất lượng đường đi xuống, giá vé tăng là chưa phù hợp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho biết việc tăng giá tại các dự án BOT nằm trong lộ trình điều chỉnh giá được quy định trong hợp đồng BOT. Vì vậy, trong quá trình Bộ GTVT lấy ý kiến, hiệp hội đã xem xét và “đồng tình việc điều chỉnh giá vé theo quy định pháp luật” nhằm đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư.
Ông Quyền cũng nhận định việc các dự án BOT thực hiện điều chỉnh tăng giá thời điểm này không ảnh hưởng lớn đến giá cước vận tải. “Bởi thời gian gần đây giá nhiên liệu liên tục giảm, mức phí đường bộ trong tổng chi phí vận tải không quá lớn. Chính nguyên tắc bù trừ trên sẽ giúp cước vận tải không biến động lớn” - ông Quyền khẳng định.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội khẳng định thời điểm này tăng giá vé của các dự án BOT là “rất bất hợp lý”. Theo vị này, những năm qua lượng ô tô tăng đột biến, đồng nghĩa với việc lưu lượng xe trên các tuyến cũng tăng nhanh và kéo theo doanh thu tăng. Song song đó, lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh hỗ trợ rất lớn cho khoản vay đầu tư của doanh nghiệp dự án.
Thêm vào đó, nhiều tuyến cao tốc đang xuống cấp, chất lượng không tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Nhiều tuyến cao tốc không đúng chuẩn cao tốc. “Chỉ căn cứ vào ba điều kiện này, giá vé tại các trạm BOT nên giảm chứ không phải điều chỉnh tăng” - vị này chia sẻ.
Dẫn chứng thêm tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, vị này cho biết lưu lượng xe tuyến này đang tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Chẳng hạn sáu tháng đầu năm 2023, lưu lượng xe trên tuyến này đạt 8,2 triệu lượt, tăng 22,7% so với năm 2022. Tuy nhiên, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị khai thác dự án vẫn được chấp thuận tăng phí.
“Điều lạ là chủ doanh nghiệp đưa ra lý do tăng phí là để đảm bảo chi phí đầu tư dự án khác. Như vậy có nghĩa là lấy tiền dự án này để làm dự án khác là rất bất hợp lý, doanh nghiệp thấy rất vô lý” - vị này cho hay.
Với việc tăng phí dự án BOT, đại diện một số doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cũng cho biết đang theo dõi mức điều chỉnh phí mới. Trường hợp nếu phí tăng cao, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá vé, nếu không sẽ lỗ nặng. “Hiện nay, doanh nghiệp vận tải đã gồng gánh quá nhiều rồi” - đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội khẳng định.•
Công khai việc điều chỉnh giá
Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé dự án, trạm thu phí theo đúng quy định; thực hiện thông báo công khai việc điều chỉnh giá vé trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan.